ĐẢNG ỦY PHƯỜNG

HĐND PHƯỜNG

PHƯỜNG VINH TÂN - Phê duyệt Đề án thí điểm mô hình "Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” trên tuyến đường Lê Mao kéo dài thuộc phường Vinh Tân

Mục đích Đề án thí điểm mô hình "Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” là góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chế biến, sản xuất kinh doanh.
content:

   Căn cứ Quyết định số 1329/QĐ-SYT ngày 29/11/2019 của  Sở Y tế Nghệ An về việc ban hành Bộ tiêu chí “Mô hình tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 14/3/2023 của UBND thành phố Vinh về việc triển khai “Mô hình điểm tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” giai đoạn 2023 đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Vinh; Công văn số 6681/UBND-YT ngày 27/11/2023 của UBND thành phố Vinh về việc triển khai xây dựng thí điểm Mô hình điểm tuyến phố có kiểm soát ATTP tại đường Lê Mao kéo dài thuộc phường Vinh Tân, thành phố Vinh;

        Ngày 01/02/2024, UBND phường Vinh Tân ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng mô hình thí điểm “Tuyến phố có kiểm soát An toàn thực phẩm” trên tuyến đường Lê Mao kéo dài thuộc địa bàn phường Vinh Tân (Sau đây gọi chung là Đề án). BBT Trang Thông tin điện tử phường giới thiệu nội dung Đề án như sau:

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ, THỰC TRẠNG, MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

        I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

        1. Đặc điểm tình hình

Phường Vinh Tân có vị trí là cửa ngõ phía phía Tây Nam thành phố Vinh; phía Tây giáp chợ Vinh, phường Cửa Nam; phía Đông giáp phường Trung Đô; phía Nam giáp xã Hưng Thịnh; phía Bắc giáp phường Hồng Sơn. Phường có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên 5,04 km2 (diện tích lớn thứ 2/16 phường của Thành phố), dân số đông với 5.245 hộ dân/19.306 nhân khẩu được phân bố trên 14 khối dân cư. Những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh, thành phố đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các khu đô thị, các khu chung cư với quy mô lớn, hiện đại. Đặc biệt, dự án đường Lê Mao kéo dài được triển khai đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của địa phương, thu hút và phát triển nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô lớn ở tuyến đường Lê Mao kéo dài đã tạo nên tuyến phố ẩm thực nổi tiếng trên địa bàn thành phố Vinh, thu hút nhiều thực khách đến, góp phần vào sự phát triển kinh tế  cho địa phương nói riêng và của thành phố Vinh nói chung.

        Bên cạnh sự  thuận lợi phát triển kinh tế của các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến đường Lê Mao kéo dài thì công tác quản lý chưa được chặt chẽ, thường xuyên (Hiện nay trên địa bàn có 174 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có 74 cơ sở dịch vụ ăn uống, 44 cơ sở thức ăn đường phố, số còn lại kinh doanh, chế biến thực phẩm). Một số cơ sở kinh doanh tự phát, thiếu sự quản lý của nhà nước, các cơ quan chuyên ngành. Công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan trên tuyến phố chưa được chú trọng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quan tâm nhưng chưa được quản lý chặt chẽ, đúng quy định, chưa đồng bộ, chưa có điểm nhấn.

2. Thực trạng hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống tại tuyến phố thuộc phạm vi Đề án

2.1. Hạ tầng Tuyến phố Lê Mao kéo dài

Đoạn đường Lê Mao đi qua phường Vinh Tân dài 380m, lòng đường rộng khoảng 30m, vỉa hè 2 bên rộng 7m, có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, giao thông đông đúc. Hiện đang được UBND Thành phố có kế hoạch tiếp tục đầu tư nâng cấp, chỉnh trang lòng đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước, điện chiếu sáng, biểu tượng trang trí...để tuyến đường ngày càng đẹp, xanh và phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.

2.2. Tình hình hoạt động

Tuyến đường Lê Mao kéo dài theo thống kê hiện có 25 Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: trong đó có 11 cơ sở thuộc cấp Phường quản lý, 11 cơ sở thuộc cấp thành phố quản lý và 3 cơ sở thuộc cấp tỉnh quản lý (Có phụ lục I kèm theo Đề án).

3. Thuận lợi, khó khăn

3.1. Thuận lợi

+ Là tuyến đường nằm trên trục đường chính của Thành phố và phường, mới được hình thành nên hạ tầng khá đồng bộ, thuận lợi giao thông đi lại, rộng rãi, khang trang, sạch đẹp.

+ Tuyến đường này từ lâu đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thu hút một lượng lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức ẩm thực với các nhà hàng nổi tiếng, quy mô lớn, hiện đại.

+ Mô hình tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm là một mô hình thiết thực. Được sự hỗ trợ của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố Vinh, Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận, là xu thê phát triển hiện nay tiến tới kinh doanh an toàn, tiêu dung an toàn và hướng tới phát triển bền vững

3.2. Khó khăn:

+ Vẫn còn một số hộ tự phát kinh doanh các mặt hàng ẩm thực, chủ yếu là kinh doanh ăn uống về đêm như các quán bia vỉa hè, quán nước vỉa hè… chưa được quản lý đảm bảo yêu cầu.

+ Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có sự liên kết với nhau để hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh cũng như xây dựng thương hiệu của tuyến phố. Chưa có tư duy kiến thức trong dịch vụ có áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát ATTP.  Chưa bố trí địa điểm tập kết xe ô tô, xe máy của khách hàng để đảm bảo trật tự, mĩ quan đô thị.

Đứng trước những thuận lợi, khó khăn, thực trạng nêu trên, để thực hiện đúng vai trò nhà nước vừa quản lý vừa hỗ trợ tạo động lực cho phát triển kinh tế, vừa giải quyết trước mắt, tạo nề tảng phát triển lâu dài tiến tới xây dựng thương hiệu, tạo dấu ấn cho du khách, nhân dân, từng bước Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển và xây dựng góp phần vào phát triển kinh tế chung của Thành phố. Vì vậy xây dựng đề án thực hiện thí điểm Mô hình “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm tại đường Lê Mao kéo dài ” nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tạo sự đồng bộ, góp phần quảng bá thương hiệu, định hướng dịch vụ và đem lại hiệu quả cao hơn cho các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố là hết sức cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

- Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

- Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam;

- Công văn số 6083/UBND-KT ngày 09/9/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phát triển kinh tế ban đêm;

- Quyết định số 1329/QĐ-SYT ngày 29/11/2019 của  Sở Y tế Nghệ An về việc ban hành Bộ tiêu chí “Mô hình tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

- Công văn số 190/ATTP-VN ngày 22/5/2023 của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm về việc tiếp tục duy trì và xây dựng các mô hình có kiểm soát an toàn thực phẩm;

- Căn cứ Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của UBND thành phố Vinh về việc Quy định trách nhiệm của các phòng, đơn vị và UBND phường/xã trong phát triển kinh tế thành phố Vinh.

-  Kế hoạch số18 ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Vinh về Kích hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Vinh trong tình hình mới.

- Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 11/6/2020 của UBND thành phố Vinh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.

- Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 14/3/2023 của UBND thành phố Vinh về việc triển khai “Mô hình điểm tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” giai đoạn 2023 đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Vinh;

- Công văn số 6681/UBND-YT ngày 27/11/2023 của UBND thành phố Vinh về việc triển khai  xây dựng thí điểm Mô hình điểm tuyến phố có kiểm soát ATTP tại đường Lê Mao kéo dài thuộc địa bàn phường Vinh Tân, thành phố Vinh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Việc xây dựng mô hình “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” góp phần quản lý tốt hơn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố, hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ cơ sở trong quá trình triển khai để xây dựng thương hiệu các nhà hàng trên tuyến phố từ đó thu hút doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nhằm tạo sự yên tâm cho người dân khi đến thưởng thức ẩm thực tại tuyến phố, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao vai trò quản lý của Chính quyền địa phương.

Góp phần cụ thể hóa kết quả chỉ đạo theo Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của UBND thành phố Vinh về việc Quy định trách nhiệm của các phòng, đơn vị và UBND phường/xã trong phát triển kinh tế thành phố Vinh và Kế hoạch số 18 ngày 13/1/2022 của UBND thành phố Vinh về Kích hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Vinh trong tình hình mới.

2.  Mục tiêu cụ thể

 Xây dựng thí điểm Mô hình khu phố ẩm thực có kiểm soát ATTP kết hợp phát triển kinh tế đêm tại Tuyến phố Lê Mao kéo dài, phường Vinh Tân.

Quản lý tuyến phố  ẩm thực theo hướng văn minh, du lịch và phố ẩm thực an toàn.

Tạo môi trường an toàn cho người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, tăng thu ngân sách.

Đầu tư các thiết chế để Tuyến phố khang trang, hiện đại, đồng bộ hơn. Tăng doanh thu cho các cơ sở kinh doanh từ đó góp phần phát triển Kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

  1. Phạm vi: Triển khai trên tuyến đường Lê Mao kéo dài, nằm trên địa bàn các khối: Phúc Lộc; Phúc Thịnh; Tân Phúc; Quang Trung phường Vinh Tân (Có sơ đồ kèm theo phục lục 1).
  2. Đối tượng:

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bao trên tuyến phố tại đường Lê Mao kéo dài, phường Vinh Tân.

- Khách hàng, du khách, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Nguyên tắc thực hiện

- Căn cứ các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành y tế được phân công quản lý nhà nước.

- Dựa trên nguyên tắc tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên tuyến đường tham gia tự nguyện và đầy đủ.

- Phối hợp chặt chẽ với Tỉnh, Thành phố và các ban ngành liên quan, các cơ sở kinh doanh trên hai tuyến phố được lựa chọn xây dựng mô hình.

PHẦN II

PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH TUYẾN PHỐ CÓ KIỂM SOÁT AN TOÀN THỰC PHẨM

I. ĐIỀU KIỆN XÂY DỰNG VÀ BỘ TIÊU CHÍ ÁP DỤNG (Theo QĐ số 1329/QĐ-SYT ngày 29/11/2019 của Sở y tế Nghệ An và một số Phụ lục kèm theo)

1. Điều kiện để xây dựng mô hình “Tuyến phố có kiểm soát ATTP”

a)  Điều kiện đối với Tuyến phố

- “Tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” có từ 10 cơ sở trở lên trên cùng một tuyến phố/ tuyến đường.

- Tuyến đường được rải nhựa hoặc bê tông; sạch sẽ, không có bụi bẩn và không ngập úng khi mưa. Không có rác thải vương vãi trên lòng đường, vỉa hè. Rác thải được tập trung trong thùng rác có nắp đậy và được vận chuyển tối thiếu 01 lần/ngày.

- Trong vòng bán kính 100m không có ổ phát sinh côn trùng như ruồi, nhặng, chuột…và không có mùi hôi thối và khói bụi ô nhiễm.

- “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” đạt từ 100 điểm các tiêu chí chấm điểm.

b) Điều kiện về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm

- 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố/tuyến đường được kiểm tra, giám sát về đảm bảo an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố/tuyến đường được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hoặc có Bản tự nguyện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp và được niêm yết công khai tại khu vực khách hàng ăn uống.

- 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố/tuyến đường thực hiện đạt từ 90 điểm trở lên các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Không để xảy ra các vụ ngộ độc trong năm tính đến thời điểm nhất định.

- 100% cơ sở tự nguyện tham gia nhóm ZALO TUYẾN PHỐ CÓ KIỂM SOÁT AN TOÀN THỰC PHẨM để tiếp nhận và phản hồi phản ánh của khách hàng, nhân dân.

c) Tên mẫu biển

- Biển gắn tại cơ sở dịch vụ ăn uống: Cơ sở dịch vụ ăn uống có kiểm soát an toàn thực phẩm.

- Biển gắn trên tuyến phố: “Mô hình tuyến phố có kiểm soát An toàn thực phẩm”.

- Biển “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” có giá trị kể từ ngày được Hội đồng thẩm định đánh giá đủ điều kiện. Hằng năm, phải tổ chức thẩm định đánh giá lại (tần suất thẩm định giá là 01 lần/năm). Nếu không duy trì đạt các điều kiện trên đối với “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” đã được công nhận sẽ thu hồi biển.

2. Nội dung Bộ Tiêu chí

a) Tiêu chí đối với cơ sở dịch vụ ăn uống có kiểm soát An toàn thực phẩm

Tiêu chí 1: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy) hoặc Bản tự nguyện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước và được niêm yết công khai.

Tiêu chí 2: Có thùng rác kín, có nắp đậy tại các bàn ăn, khu chế biến và được chuyển rác thải đi trong ngày, không có rác vương vãi trên nền nhà, bàn ăn; có nơi rửa tay và nhà vệ sinh cùng xà phòng cho khách.

Tiêu chí 3: Thức ăn bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại.

Tiêu chí 4: Có giá, kệ kê và dụng cụ bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, phù hợp với quy định.

Tiêu chí 5: Sử dụng dụng cụ chế biến, chia, gắp, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được làm bằng vật liệu an toàn, đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm và phơi nhiễm vào thực phẩm và sử dụng riêng đối với thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến.

Tiêu chí 6: Có bàn ăn, bày bán thức ăn cao ≥ 60 cm, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.

Tiêu chí 7: Có bảng công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hàng ngày. Có sổ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm (bao gồm tên cơ sở cung cấp, địa chỉ cơ sở cung cấp, mặt hàng cung cấp....). Phụ gia thực phẩm có trong danh mục cho phép của Bộ y tế và được sang chia, sang chiết theo quy định.

Tiêu chí 8: Người trực tiếp chế biến thực phẩm thường xuyên đội mũ, đeo khẩu trang khi thực hành liên quan đến thực phẩm; không đeo trang sức, cắt móng tay, sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm.

Tiêu chí 9: Có đủ nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh để sử dụng sơ chế, chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

Tiêu chí 10: Tiếp nhận và phản hồi kịp thời ý kiến góp ý của khách hàng thông qua nhóm ZALO của tuyến phố, tuyến đường.

b) Tiêu chí Tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát An toàn thực phẩm

Tiêu chí 1: Tuyến phố/Tuyến đường có kiểm soát ATTP có từ 10 cơ sở dịch vụ ăn uống trở lên.

Tiêu chí 2: Tuyến phố/Tuyến đường cách xa nguồn ô nhiễm, có hệ thống cống rãnh và xử lý rác thải dịch vụ công cộng thuận lợi.

Tiêu chí 3: Tuyến phố/Tuyến đường có hành lang được lát gạch hoặc láng xi măng.

Tiêu chí 4: Tuyến phố/Tuyến đường được trang bị đủ hệ thống đèn chiếu sáng để phục vụ các cơ sở kinh doanh ăn uống vào ban đêm.

Tiêu chí 5: 100% các cơ sở đạt từ 90 điểm trở lên và không có tiêu chí nào bị điểm không (điểm liệt) theo Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở có kiểm soát an toàn thực phẩm.

3. Một số nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo Đề án hoàn thành

a) Phương án chỉnh trang đô thị (Giao Công chức Đô thị - Quy tắc trực tiếp tham mưu)

- Thực hiện chỉnh trang đô thị tại tuyến đường xây dựng Đề án Lê Mao kéo dài và bằng các biện pháp như ra quân giải toả hành lang an toàn giao thông, trật tự đô thị, trả lại mặt bằng vỉa hè...; tháo dỡ hệ thống biển bảng quảng cáo hư hỏng, rách nát; bóc xoá quảng cáo rao vặt và các băng rôn hết hạn tuyên truyền.

- Trình UBND thành phố Vinh về việc chấp thuận cho phép dựng cổng chào, biểu tượng của tuyến phố ngay khu vực đường Lê Mao kéo dài giao nhau với Ngô Đức Kế.

- Tiến hành cắt tỉa cây xanh trước khi gắn biển.

- Tổ chức sơn, kẻ vẽ tuyến đường để phân định khu vực đậu xe (nếu có).

b) Phương án phòng cháy chữa cháy (Giao Công an phường chủ trì tham mưu)

- Các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống có cơ sở cố định phải trang bị phương tiện thiết bị chữa cháy theo quy định, tham gia tổ liên gia an toàn PCCC, xây dựng quầy ốt phải có lối thoát hiểm chủ động đáp ứng khi có hỏa hoạn xảy ra, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quy trình sử dụng điện, đấu nối… và các quy định khác đối với công tác PCCC.

- Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm với nhiều nội dung, hình thức, tuyên truyền thông qua buổi họp tổ dân phố, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phường.

- Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng bảo vệ dân phố đủ khả năng xử lý khi có cháy xảy ra.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn trong công tác PCCC; kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC.

c) Phương án đảm bảo vệ sinh môi trường (Giao Công chức Địa chính - môi trường chủ trì tham mưu)

- Đối với các hộ kinh doanh có cơ sở cố định yêu cầu xây nhà WC tự hoại đấu nối nước thải vào hệ thống mương thoát nước của thành phố.

- Đối với các hộ kinh doanh di động, UBND phường tổ chức làm việc với các cá nhân, các tổ chức trong phạm vi tuyến phố để triển khai hệ thống nhà vệ sinh lưu động phục vụ đảm bảo nhu cầu hoặc được sử dụng nhà vệ sinh của tổ chức gần nhất theo thoả thuận.

- Yêu cầu các hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa điểm kinh doanh, trên vỉa hè. Sau khi hết giờ hoạt động theo quy định phải gom rác, chất thải vào một chỗ để CTCP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tổ chức thu gom, đồng thời phải quét dọn sạch sẽ tại địa điểm mình kinh doanh, không để tình trạng tồn đọng rác và các chất thải gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Mỗi hộ kinh doanh tại khu vực kinh doanh phải có ít nhất 01 thùng đựng rác có nắp để đựng các loại rác thải trước, trong và sau khi kết thúc quá trình kinh doanh của hộ, nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị đường phố

- Bố trí hệ thống thùng rác có nắp phục vụ nhu cầu của thực khách trên các tuyến phố đảm bảo mỹ quan, vệ sinh và thuận tiện. 

- Làm việc với công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An đảm bảo  tuyến phố được thu dọn rác sạch sẽ theo hợp đồng đã ký kết với thành phố, cơ sở kinh doanh khi tuyến phố ẩm thực bắt đầu hoạt động.

d) Phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, bãi đậu xe

- Giao Công an phường phối hợp Đội quy tắc đô thị, lực lượng bảo vệ dân phố có trách nhiệm kiểm tra để đảm bảo an ninh trật tự.

- Các hộ vào kinh doanh được cung cấp số điện thoại chủ tịch UBND phường, Công an phường, lực lượng kiểm tra để có thể gọi và giải quyết các tình huống ngoài thẩm quyền xẩy ra trong khu vực.

- Tại các địa điểm kinh doanh sẽ bố trí điểm đậu xe để khách tự bảo quản. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có trách nhiệm bố trí người để hướng dẫn khách hàng đậu xe đảm bảo an ninh, an toàn, không ảnh hưởng đển đi lại của người dân trong khu vực và phù hợp với thực trạng vỉa hè của tuyến phố.

e) Phương án tổ chức các hoạt động văn hóa hỗ trợ thu hút du khách

Các hộ kinh doanh thông qua tổ tự quản huy động nguồn lực XHH tổ chức ác chương trình nghệ thuật đường phố tạo sự mới mẻ, sức hút với nhân dân, du khách qua tham quan thụ hưởng dịch vụ. Giao Công chức Văn hóa - thông tin phối hợp với phòng Văn hóa – Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Thành phố, các cá nhân, tổ chức có liên quan hỗ trợ tổ tự quản tuyến phố để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật

Các hoạt động văn hóa phải được kiểm soát … trước khi triển khai nhằm đảm bảo văn minh, không mất thuần phong mỹ tục và gây phản cảm.

4. Phương án điều chỉnh, bổ sung thiết kế, bảng biển và tổ chức hoạt động kinh doanh

a) Phương án điều chỉnh, bổ sung bảng biển

- Đối với quầy ốt di động: Cấu tạo có mái che, hiện đại, dễ tháo lắp, thu dọn; có thiết kế mẫu, yêu cầu chủ kinh doanh làm theo để đảm bảo đồng bộ, mỹ quan. Có logo nhận diện tuyến phố có kiểm soát ATTP, các quầy ốt di động khi tham gia kinh doanh hoặc ngừng hoạt động kinh doanh trên tuyến đường Lê Mao kéo dài cần phải báo cáo về BCĐ ATTP của phường (Qua Thường trực BCĐ - Bác sĩ Trần Văn Huấn - SĐT 0918933743 để được sắp xếp, bố trí, phổ biến nội quy cụ thể khi hoạt động).

- Đối với các quán ăn, nhà hàng dịch vụ ăn uống cố định: Yêu cầu các chủ kinh doanh cải tạo chỉnh trang; một số cơ sở có hệ thống bảng biển xuống cấp, chưa phù hợp cần thiết kế lại một cách đồng bộ, đẹp và thu hút khách hàng. Đồng thời, có logo tuyến phố có kiểm soát ATTP tại cửa hàng để nhận diện.

UBND phường sẽ thực hiện huy động xã hội hóa thi công lắp đặt  các Biển bảng Quầy hàng trước nhà hàng và Cửa hàng theo mô típ và kiểu dáng màu sắc đồng bộ tạo cho toàn tuyến phố có một hình ảnh tươi mới.

b) Phương án bố trí hoạt động kinh doanh

- Đối với các hộ kinh doanh cố định (KDDV ăn uống) đang hoạt động thực hiện điều chỉnh lại hệ thống bảng biển, hiện trạng cho phù hợp quy hoạch, thẩm mỹ của tuyến phố, đảm bảo công tác PCCC đúng quy định hiện hành.

- Đối với các hộ kinh doanh không cố định (KDDV thức ăn đường phố): Trên cơ sở thực trạng buôn bán cho kẻ vẽ sắp xếp bố trí lại các vị trí đảm bảo mỹ quan, đồng bộ, an toàn giao thông, kết hợp vị trí để xe tại chỗ, có sự phối hợp thống nhất sử dụng.

- Thời gian hoạt động của tuyến phố phải đảm bảo theo các quy định. Không mở nhạc lớn tiếng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, giao lưu âm nhạc không tổ chức quá 23 giờ 00 phút, kết thúc các hoạt động kinh doanh dịch vụ trước 23h30 hàng ngày.

c) Tổ chức hoạt động kinh doanh

- Bước đầu tập trung vận động, tuyên truyền triển khai Đề án đối với các hộ đã và đang kinh doanh trên tuyến đường Lê Mao kéo dài trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh.

- Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia mở rộng kinh doanh tại các tuyến phố nhân rộng và mở rộng mô hình, các hinh thức kinh doanh phong phú hơn.

5. Phương án quản lý Tuyến phố có kiểm soát An toàn thực phẩm

UBND phường Vinh Tân thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh của Tuyến phố dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố; Các hộ kinh doanh tiến hành thành lập, xây dựng nội quy - quy chế hoạt động của Tổ tự quản do các hộ kinh doanh bầu.

5.1. Thành lập Tổ tự quản, Tổ quản lý tại Tuyến phố

a. Thành lập Tổ tự quản gồm:

- Thành lập Tổ tự quản của  Tuyến phố Lê Mao kéo dài và bầu ra Tổ trưởng, Tổ phó (Có nội quy hoạt động) để triển khai các chính sách nhà nước, chính sách thành phố và phường trong hỗ trợ giúp hoạt động kinh doanh ngày một hiệu quả. Cụ thể:

+ Triển khai việc thực hiện các quy định của Nhà nước liên quan đến vấn đề Vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC, ANTT...

+ Tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của các cấp, ngành về an toàn thực phẩm đến tổ viên là các hộ kinh doanh.

+ Có trách nhiệm tổ chức huy động xã hội hóa phục vụ các hoạt động tại Tuyến phố.

+ Thống nhất, công khai các nội dung, nhiệm vụ liên quan đế từng tổ viên.

+ Kịp thời báo cáo Ban kiểm soát Tuyến phố về các vấn đề liên quan mà không thể tự xử lý được hoặc vượt thẩm quyền.

+ Tham mưu cho UBND Phường các giải pháp để tiếp tục phát triển xây dựng Tuyến phố.

+ Phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

b. Thành lập Tổ quản lý gồm:

- Đ/c Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban;

- Đ/c Phó chủ tịch Văn hoá xã hội UBND phường làm Phó ban trực;

- Đ/c Trưởng Trạm y tế phường làm Phó ban;

- Các thành viên gồm: công chức đô thị, địa chính - môi trường văn hóa, tư pháp, Công an phường, Đội thuế số 3 liện phường xã, Bảo vệ Dân phố, Khối trưởng các khối có liên quan, tổ trưởng Tổ tự quản.

5.2  Trách nhiệm của Tổ quản lý

a) Quản lý về hoạt động kinh doanh

+ Giám sát kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, các quy định liên quan đến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh; việc chấp hành nghiêm các tiêu chí quy định tại Quyết định số 1329/QĐ-SYT ngày 29/11/2019 của Sở y tế Nghệ An. Có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn các hộ kinh doanh những chưa đủ điều kiện, sắp xếp, bố trí, phổ biến quy chế phù hợp đối với các hộ thêm mới và các hộ ngừng hoạt động kinh doanh.

+ Vận động, hướng dẫn các hộ kinh doanh trên  tuyến phố đầu tư phát triển đa dạng hóa các ngành hàng phục vụ dịch vụ ăn uống, khuyến khích kinh doanh.

+ Tổ chức ký cam kết của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên tuyến phố về chấp hành nội quy, quy chế hoạt động của tuyến phố.

+ Phối hợp với Đoàn kiểm tra Liên ngành, định kỳ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của Tuyến phố có kiểm soát An toàn thực phẩm. Những cơ sở nào không chấp hành thì kiên quyết xử lý theo quy định.

+ Tổ chức kiểm tra đột xuất khi nhận được tin báo vi phạm hoạt động kinh doanh trên tuyến phố.

b) Quản lý về mỹ quan của các cơ sở kinh doanh tại Tuyến phố

Bàn ghế, biển bảng, ki ốt đi động… của các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các tuyến phố khi trưng bày phải đảm bảo trật tự, gọn gàng và mỹ quan đô thị. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất mang nét đặc trưng riêng của từng nhà hang trên tuyến phố.

c) Quản lý về an toàn giao thông

- Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến phố kinh doanh các phương tiện tham gia giao thông khi vào tuyến phố phải giảm tốc độ, đi chậm và quan sát kĩ.

- Phương tiện giao thông của khách phải được các chủ hộ kinh doanh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp (có chừa lối cho người đi bộ trên vỉa hè).

- Bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

d) Quản lý về an ninh trật tự

Các lực lượng chức năng cấp trên hỗ trợ, Công an và Đội quy tắc đô thị Phường, lực lượng bảo vệ dân phố các khối liên quan, có trách nhiệm thường xuyên tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, các hộ vào kinh doanh được cung cấp số điện thoại Công an Phường và các lực lượng chức năng liên quan để các hộ kinh doanh có thể gọi và kịp thời giải quyết những tình huống gây mất an ninh trật tự trong khu vực.

e)  Quản lý vệ sinh môi trường

- Tổ chức triển khai theo phương án, yêu cầu các hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa điểm kinh doanh, trên vỉa hè: Có dụng cụ lưu trữ rác  thải, đổ rác đúng nơi, đung thời gian quy định. Xử lý các vi phạm về VSMT đối với các hộ kinh doanh trên tuyến phố (Đổ rác, vứt, xả các chất thải trong kinh doanh, sinh hoạt...ra ngoài môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan tuyến phố, sức khỏe con người...) theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (Nếu có).

f) Quản lý về văn minh thương mại, đảm bảo VSATTP

Các hộ kinh doanh ở Tuyến phố phải có thái độ ứng xử nhã nhặn, văn minh, lịch sự, không đeo bám, chèo kéo khách, bán đúng giá niêm yết, không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Ban quản lý tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện và xử lý vi phạm về các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ và các Quy định khác có liên quan.

g) Phương án quản lý nguồn thu, chi

Các hộ kinh doanh trên tuyến phố thực hiện nộp thuế phí theo quy định qua cơ quan thuế. UBND phường không thực hiện thu trực tiếp bất cứ khoản nào liên quan trong quản lý vận hành tuyến phố; Hỗ trợ các hoạt động khác nếu có nguồn xã hội hóa hoặc của nhà nước theo quy định .

III. Đánh giá, điều chỉnh Đề án hoặc kết thúc Đề án

  1. Đánh giá, báo cáo

Hàng năm vào tháng 11, tổ chức tổng kết hoạt động, đánh giá kết quả hoạt động trong năm, báo cáo UBND Thành phố,  Đảng ủy - HĐND - UBND Phường  các kết quả đạt được, các tồn tại, vướng mắc; đồng thời đề ra các giải pháp để khắc phục và đề xuất kiến nghị để thực hiện hiệu quả mô hình Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm. 

  1. Điều chỉnh, kết thúc Đề án

Căn cứ kết quả thực hiện hàng năm và tình hình thực tế, Ban chỉ đạo đề xuất phương án điều chỉnh hoặc kết thúc thí điểm Đề án nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, phương án và giải pháp để tăng hiệu quả của Đề án, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và làm cơ sở để nhân rộng mô hình ở một số tuyến đường khác trên địa bàn Phường.

3. Dự báo tình hình

Sau 1 năm thí điểm Đề án "Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” UBND Phường tổ chức đánh giá kết quả, hiệu quả, tính khả thi thực hiện trên tất cả các mặt từ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu ứng thu hút khách hàng, hiệu quả kinh tế đến các hoạt động trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Từ đó định hướng nhiệm vụ tiếp theo. Với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho Đề án. Trước mắt chúng ta có thể dự báo như sau:

- Nhu cầu Kinh doanh và tiêu dung thực phẩm, cá dịch vụ ăn uống hướng tới an toàn, thân thiện, uy tín chất lượng là xu thế. Vì vậy Mô hình Đề án làm tốt, đúng sẽ góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu trên địa bàn.

- Nhà hang dịch vụ luôn mong muốn được làm tốt các quy định có sự đồng hành của các cấp chính quyền hỗ trợ. Đây là mong muốn đúng đắn và chính quyền tổ chức triển khai là đúng với nguyện vọng chính đáng. Sẽ nhận được ủng hộ cáo.

- Bước đầu sẽ có nhiều khó khắn trong quản lý. Cần có thời gian tiếp tục tuyên truyền để tổ chức kinh doanh đi vào nền nếp.

IV. Kinh phí

1. Các nguồn kinh phí

- Nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số;

- Nguồn ngân sách Thành phố;

- Nguồn ngân sách phường;

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Dự trù nội dung thực hiện

- Làm biểu tượng, hẹ thống biển bảng, hệ thống đèn Led nghệ thuật, điện chiếu sáng (Công ty hạ tầng, đơn vị quảng cáo, UBND Phường)

- Logo, trang phục cho các hộ kinh doanh (nguồn xã hội hóa của các hộ kinh doanh).

- Chỉnh trang tuyến phố: Cắt tỉa cây xanh, lắp gắn biển bảng tuyến phố, hệ thống điện chiếu sáng đường phố ( nguồn hỗ trợ của thành phố, công ty cây xanh và UBND Phường)

- Kính phí Tổ chức lễ khai trương tuyến phố (nguồn UBND thành phố hỗ trợ, UBND Phường và nguồn xã hội hóa)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cá nhân, tổ chức được phân công nhiệm vụ tại mục II, phần II và Ban quản lý Tuyến phố: Tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án đảm bảo mục đích, yêu cầu và hiệu quả hoạt động đề ra.

1. Trạm y tế phường (Cơ quan thường trực)

Chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng, triển khai Đề án, lịch trình, tiến độ thời gian của Đề án đảm bảo.

- Rà soát các hộ kinh doanh trên tuyến đường Lê Mao kéo dài, khảo sát, đánh giá các hộ kinh doanh về các hồ sơ pháp lý, điều kiện ATTP, ký cam kết an toàn thực phẩm, phổ biến chủ trương của Phường về đề án xây dựng tuyến phố có kiểm soát ATTP để các hộ kinh doanh được biết.

- Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Thành phố và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tham mưu cho UBND phường tổ chức tập huấn các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý phường và kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc tuyến phố, tuyến đường được xây dựng mô hình.

- Tổ chức giám sát, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các Tiêu chí của tuyến phố, tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm và báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND Thành phố sau các đợt triển khai.

- Tham mưu các nội dung liên quan đến chuyên môn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham mưu Ban quản lý tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ và xử lý các cơ sở không chấp hành các quy định.

- Lập dự trù kinh phí để xây dựng mô hình thí điểm tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm.

- Báo cáo định kỳ kết quả xây dựng tuyến phố: 6 tháng, 01 năm gửi về UBND phường, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thành phố Vinh theo quy định.

2. Công chức Văn hóa thông tin

- Thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của cộng tác viên ATTP được quy định tại khoản 4 Điều 32 Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về Ban hành Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về ATTP.

- Phối hợp với Trạm Y tế xây dựng tin bài, phát thanh tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng Mô hình Tuyến phố có kiểm soát ATTP trên tuyến đường Lê Mao kéo dài để các hộ kinh doanh, người dân hiểu và hưởng ứng tham gia đề án.

- Phối hợp với Phòng Văn hóa, Phòng Quản lý Đô thị thành phố, Trạm Y tế, Công chức Đô thị - Quy tắc phường thiết kế nội dung, mẫu mã cổng chào, biển bảng, hệ thống đèn led, trang phục, logo tại Tuyến đường Lê Mao kéo dài trên địa bàn phường Vinh Tân (Có dự trù kinh phí kèm theo).

3. Công chức Đô thị - quy tắc, Địa chính - môi trường, Công an, lực lượng bảo vệ dân phố phường

- Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các hộ kinh doanh, thực khách, nhân dân đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh ăn uống thuộc Tuyến đường được công nhận có kiểm soát an toàn thực phẩm. Tham mưu cho UBND Phường xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm trên từng lĩnh vực (nếu có).

- Công chức Đô thị - quy tắc phối hợp với công chức văn hóa  - thông tin lắp đặt vị trí cổng chào, biển bảng phù hợp với quy định và mỹ quan. Chủ trì khảo sát, tham mưu lắp đặt hệ thống đèn Led, điện chiếu sang trên tuyến phố được lựa chọn xây dựng mô hình, dừ trù kinh phí cụ thể.

4. Công chức Kế toán thống kê

Căn cứ dự trù của các bộ phận tham mưu kinh phí, dự toán ngân sách thực hiện đề án ( nếu có).

5. Đề nghị Đảng ủy, HĐND, MTTQ và các đoàn thể phường

a) Đảng ủy phường

- Chỉ đạo các Chi bộ trực thuộc tuyên truyền cho các Đảng viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện mô hình Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn phuờng; vận động các Đảng viên tích cực ủng hộ việc triển khai thực hiện đề án có hiệu quả.

- Chỉ đạo hệ thống chính trị phuờng tập trung thực hiện có hiệu quả Mô hình thí điểm “Tuyến phố có kiểm soát ATTP”.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo về việc triển khai xây dựng Mô hình.

b) MTTQ và các đoàn thể phường

Tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng Mô hình Tuyến phố có kiểm soát ATTP. Phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh doanh đảm bảo ATTP, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các cơ sở.

5. Đề nghị Chi ủy, ban cán sự các khối: Quang Trung, Tân Phúc, Phúc Thịnh, Phúc Lộc

- Phối hợp với UBND phường rà soát lại danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các điểm xây dựng tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Tập trung tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng  mô hình tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm đến tận các chủ cơ sở kinh doanh tại tuyến đường Lê Mao kéo dà thuộc khối mình quản lý. Đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình sinh sống trên tuyến phố, các hộ kinh doanh khác không thuộc phạm vi đề án tuân thủ chấp hành tốt về trật tự đô thị, VSMT, PCCC, ATTP tạo mỹ quan tuyến phố sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện.

- Tham gia quản lý, giám sát các hộ kinh doanh thực hiện tốt các quy định về tuyến phố có kiểm soát ATTP, phát hiện, báo cáo và phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND Phường xử lý các vi phạm của các hộ kinh doanh trên tuyến phố.

8. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố

- Phối hợp với các lực lượng chức năng, trung thực trong việc khảo sát kê khai, lập các hồ sơ pháp lý, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh trên tuyến đường Lê Mao kéo dài thuộc phường Vinh Tân.

 - Chấp hành nghiêm túc các quy định trong hoạt động kinh doanh, nội quy quy chế hoạt động của “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm”.

- Tham gia ký cam kết, tập huấn cách thức triển khai và tổ chức triển khai có hiệu quả mô hình.

- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng các tiêu chí theo Quyết định 1329/QĐ-SYT ngày 29/11/2019 của Sở Y tế Nghệ An về việc Ban hành Bộ tiêu chí “Mô hình tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau khi đã được UBND Phường, bộ phận chuyên môn tập huấn, hướng dẫn. Phải duy trì thường xuyên và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm và các điều kiện đã được quy định theo Bộ Tiêu chí sau khi đã được thẩm định đạt.

- Chủ động giới thiệu đại diện các hộ kinh doanh tham gia thành lập Tổ tự quản dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND Phường.

9. Đối với các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh khác trên Tuyến phố không thuộc phạm vi đề án.

Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm, thực hiện tốt các nội dung về đảm bảo ATTP, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện, an toàn.

Trên đây là Đề án thí điểm xây dựng mô hình Tuyến phố có kiểm soát An toàn thực phẩm tại đường Lê Mao Kéo dài thuộc phường Vinh Tân,

BTT TRANG TTĐT PHƯỜNG

UBND PHƯỜNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ PHƯỜNG