ĐẢNG ỦY PHƯỜNG

HĐND PHƯỜNG

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực từ ngày 26/11/2024

content:

Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực từ ngày 26/11/2024. Với nhiều quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và quản lý hội, Nghị định 126/2024/NĐ-CP không chỉ tăng cường quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các hội đoàn, đảm bảo hoạt động minh bạch và hiệu quả.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Nghị định số 126/2024/NĐ-CP không áp dụng với các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, các điều kiện thành lập hội:

1. Có tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

(i) Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

(ii) Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

(iii) Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

(iv) Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

2. Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

3. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

4. Có điều lệ, trừ trường hợp nghị quyết đại hội của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng.

5. Có trụ sở đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

6. Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.

7. Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

Về quản lý nhà nước đối với hội, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định, Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

1) Xây dựng trình hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội.

2) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, hội và tổ chức, công dân thi hành pháp luật về hội.

3) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 126/2024/NĐ-CP. Lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động của hội khi giải quyết các thủ tục về hội thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của hội.

5) Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về hội.

6) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; trừ các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và hoạt động của tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc hội.

7) Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với hội, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

8) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến quyết định hành chính của bộ và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức ở các tổ chức thuộc bộ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

9) Giúp Chính phủ quản lý biên chế của các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.

10) Phê duyệt các khoản viện trợ, kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của hội do Bộ Nội vụ quyết định cho phép thành lập, phê duyệt Điều lệ hội theo quy định của pháp luật.

11) Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

12) Xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở dữ liệu về hội; cập nhật cơ sở dữ liệu hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh.

13) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.​​

     Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội được quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù.

Về điều khoản chuyển tiếp:

1. Hồ sơ về giải quyết các thủ tục về hội trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã bầu số lượng phó chủ tịch chuyên trách vượt quá số lượng theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 42 Nghị định này trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại của hội, khi khuyết số lượng phó chủ tịch chuyên trách thì không bầu bổ sung để đảm bảo phù hợp với số lượng phó chủ tịch chuyên trách theo quy định của Nghị định này.

3. Điều lệ của các hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì hội tiếp tục sử dụng điều lệ này đến hết nhiệm kỳ. Sau đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định tại Nghị định này.

4. Các đơn vị sự nghiệp thuộc hội đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hoạt động thì tiếp tục hỗ trợ đến hết năm 2026. Từ năm 2027 các tổ chức này thực hiện theo nguyên tắc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Tài liệu đính kèm  ND 126 quy dinh tc hoat dong va quan ly HOI 8-10-2024_1733017667392.pdf

Chi tiết của Nghị định xem tại đây./.  

Tải Quyết định số 780/QĐ-BNV về việc công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2024.

Các Phụ lục kèm theo

MINH HIỀN

  

UBND PHƯỜNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ PHƯỜNG