ĐẢNG ỦY PHƯỜNG

Ngày 07/5/1954: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam!

content:

Cách đây 70 năm, ngày 07/5/1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, một trong những chiến công hiển hách, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ 20”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ giữa năm 1953, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện Kế hoạch Nava, xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Địch chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, củng cố vùng chiếm đóng, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta.

Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn.

Ảnh tư liệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953).

Trước khi ta tiến công, địch đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.

Xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho Lào giải phóng Thượng Lào. Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận là Võ Nguyên Giáp. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào 13-3-1954.

Ảnh tư liệu: Ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Kết quả, sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

* Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi đã kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Chiến thắng này đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại.

- Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam:

+ Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

+ Buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

+ Chiến thắng này đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời đã mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

+ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

- Đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới:

+ Chiến thắng này đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.

+ Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

+ Chiến thắng đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh. Đồng thời đã chứng minh một chân lý thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi./.

 

XEM Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên tại dịa chỉ:

https://www.dienbien.gov.vn/portal/VanBan/2024-02/12907c3b1276789dkh%2070%20n%C4%83m.pdf

MINH HIỀN

HĐND PHƯỜNG

Nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI)

content:

Đây là một trong những biện pháp cải cách có tính đột phá, góp phần đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, giảm tải công việc của các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời phát huy hiệu quả, tận dụng tối đa mạng lưới bưu chính công cộng sẵn có cung cấp thêm sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian trong việc làm thủ tục hành chính. Qua đó thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. 

Hiện nay, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân.

 

Các bước thực hiện tiếp nhận, chuyển trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính công ích

1. Các hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích

Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích:

a. Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

b. Nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

c. Gửi hồ sơ và nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

2. Nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân

a. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

b. Đại diện tổ chức, cá nhân có hồ sơ cần chuyển phát cùng với nhân viên bưu chính kiểm đếm, đối chiếu danh mục tài liệu có trong hồ sơ so với danh mục tài liệu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Trang thông tin điện tử phường và niêm yết tại nơi giải quyết thủ tục hành chính.

c. Nhân viên bưu chính và đại diện tổ chức, cá nhân lập và cùng ký vào Phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành trong đó ghi rõ hõ, tên, địa chỉ người gửi; tên, địa chỉ cơ quan có thẩm quyền; tên thủ tục hành chính; danh mục tài liệu, văn bản có trong hồ sơ và những nội dung liên quan khác (nếu có).

d. Nhân viên bưu chính trực tiếp đóng gói, niêm phong hồ sơ có sự chứng kiến của đại diện tổ chức, cá nhân để chuyển phát. Việc chấp nhận và phát bưu gửi được thực hiện theo quy định tại Luật bưu chính.

f. Trường hợp thủ tục hành chính phải nộp phí, lệ phí thì nhân viên bưu chính thực hiện thu phí, lệ phí theo quy định và cấp biên lai thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân.

3. Xử lý hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan có thẩm quyền

a. Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ đến người có thẩm quyền của cơ quan đó để giải quyết.

b. Việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định.

c. Khi hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan có thẩm quyền đăng tải công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo (bằng tin nhắn, thư điện tử hoặc hình thức khác) đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân.

4. Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính

a. Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật và theo các quy định cụ thể như sau:

- Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích thì nhân viên bưu chính nhận kết quả để chuyển phát theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân;

- Hồ sơ gửi trả cho tổ chức, cá nhân qua dịch vụ bưu chính công ích phải bảo đảm đầy đủ theo quy định mà cơ quan, người có thẩm quyền phải trả cho tổ chức, cá nhân sau khi giải quyết thủ tục hành chính;

- Trường hợp hồ sơ có bản chính hoặc bản gốc thì nhân viên bưu chính phải tiếp nhận, ghi rõ trong Phiếu gửi hồ sơ và thực hiện việc chuyển trả cho tổ chức, cá nhân;

b. Đại diện của cơ quan có thẩm quyền và nhân viên bưu chính cùng kiểm đếm hồ sơ, lập và cùng ký Phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phát hành để gửi trả cho tổ chức, cá nhân, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ người gửi là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; tên, địa chỉ người nhận là tổ chức; họ, tên, địa chỉ người nhận là cá nhân; danh mục tài liệu, văn bản có trong hồ sơ theo quy định.

c. Nhân viên bưu chính trực tiếp đóng gói, niêm phong hồ sơ có sự chứng kiến của đại diện cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc chuyển phát.

d. Trường hợp nhận chuyển kết quả giải quyết thủ tục hành chính với số lượng nhiều, đồng nhất cho nhiều cá nhân, tổ chức là đối tượng giải quyết thủ tục hành chính trong một tập thể, đơn vị thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có thể thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền để nhân viên bưu chính nhận và chuyển phát bưu gửi đã được cơ quan có thẩm quyền đóng gói, niêm phong.

5. Tổ chức, cá nhân nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

a. Hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích phải được chuyển trả kịp thời cho tổ chức, cá nhân.

b. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thể trực tiếp nhận hồ sơ, kết quả từ nhân viên bưu chính thì có thể ủy quyền cho người khác nhận hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính. Việc ủy quyền được thực hiện theo quy định của pháp luật.

c. Đại diện tổ chức, cá nhân và nhân viên bưu chính cùng ký xác nhận về việc đã giao, nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Phiếu gửi hồ sơ theo quy định.

6. Phương thức thực hiện nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính

a. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính đã được quy định (nếu có) theo các phương thức sau đây:

- Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền;

- Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.

b. Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn việc nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức khác nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

c. Chứng từ nộp tiền, chuyển khoản tiền phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính hoặc Biên lai thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (nếu có) được gửi kèm theo hồ sơ đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.

7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, kết quả bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng

a. Trường hợp hồ sơ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng trong quá trình chuyển phát của nhân viên bưu chính thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có hồ sơ, giấy tờ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để khắc phục hậu quả.

b. Trường hợp cần phải xin cấp lại bản chính hoặc bản gốc và các giấy tờ khác có trong hồ sơ chuyển phát đã bị mất, bị thất lạc, bị hư hỏng không thể khôi phục được thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có văn bản bị mất, bị thất lạc, bị hư hỏng và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lại các giấy tờ cho tổ chức, cá nhân.

c. Trường hợp do lỗi của doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích làm cho bản chính hoặc bản gốc và các giấy tờ khác có trong hồ sơ chuyển phát đã bị mất, bị thất lạc, bị hư hỏng không thể khôi phục được thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải có trách nhiệm khắc phục mọi hậu quả đã gây ra và chịu mọi chi phí phát sinh trong việc xin cấp lại hồ sơ, giấy tờ.

d. Trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều này mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

8. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân

a. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác, đầy đủ của tài liệu, giấy tờ có trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan để thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

b. Phản ánh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của nhân viên bưu chính trong quá trình chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

c. Thanh toán đầy đủ, kịp thời giá cước dịch vụ mà mình có trách nhiệm thanh toán cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

d. Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

BÍCH HOÀI - CÔNG CHỨC VPTK

UBND PHƯỜNG

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ PHƯỜNG