ĐẢNG ỦY PHƯỜNG

Lịch sử, ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
content:

Cách đây 49 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ảnh TL: Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa  ngày  30/4/1975 

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Ngày 30 tháng 4 là ngày lễ toàn dân mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, chứng minh cho sức mạnh đoàn kết, truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi, đồng thời đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng, có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ 20, để lại cho chúng ta nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Quá khứ đã khép lại, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta với dấu mốc 30/4/1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất. 

Không chỉ đối với Việt Nam, chiến thắng 30/4 còn là một sự kiện có tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đến nay ý nghĩa lịch sử của Ngày 30/4 vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay. Đây là dịp hàng năm nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hi sinh của biết bao đồng bào dân tộc đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do và phát triển phồn vinh của đất nước như ngày nay.

MINH HIỀN

HĐND PHƯỜNG

Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 tỉnh Nghệ An và khai trương “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” tại tuyến đường Lê Mao thuộc địa bàn phường Vinh Tân, thành phố Vinh.

content:

Tối ngày 17/4/2024, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An phối hợp UBND thành phố Vinh tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và khai trương “Tuyến phố có kiểm soát an toàn thực phẩm” tại tuyến đường Lê Mao thuộc địa bàn phường Vinh Tân, thành phố Vinh.

Tham dự Lễ phát động có đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan; lãnh đạo UBND thành phố Vinh, Lãnh đạo Đảng uỷ, Chính quyền, MTTQ và các ban ngành đoàn thể phường Vinh Tân cùng các phường, xã; các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thành phố..

Các đại biểu tham dự buổi Lễ

Lễ phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 nhằm huy động tích cực sự vào cuộc của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và sự giám sát của người tiêu dùng đối với các vấn đề về an ninh, ATTP. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Lê phát biểu phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2024

Đặc biệt, tại buổi Lễ phát động, UBND thành phố Vinh công bố Quyết định công nhận tuyến phố Lê Mao có kiểm soát ATTP và phối hợp với UBND phường Vinh Tân tổ chức khai trương “Tuyến phố có kiểm soát ATTP” tại tuyến đường Lê Mao kéo dài.

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Quang Lâm trao Quyết định công nhận “Tuyến phố có kiểm soát ATTP”-  tuyến đường Lê Mao kéo dài cho Chủ tịch UBND phường Vinh Tân Nguyễn Đình Thanh

Các đại biểu cắt băng khai trương “Tuyến phố có kiểm soát ATTP”- tại tuyến đường Lê Mao, phường Vinh Tân.

Việc triển khai xây dựng thí điểm Mô hình tuyến phố có kiểm soát ATTP tại đường Lê Mao thuộc địa bàn phường Vinh Tân theo Kế hoạch của UBND thành phố Vinh với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác chỉ đạo thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền phường Vinh Tân và sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể, các hộ kinh doanh tại tuyến phố Lê Mao, đến nay đề án xây dựng mô hình tuyến phố có kiểm soát ATTP tại tuyến phố Lê Mao đã được UBND thành phố Vinh thẩm định và ra quyết định công nhận.

Đây là mô hình tuyến phố có kiểm soát ATTP thứ 2 được triển khai xây dựng tại thành phố Vinh, không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đối với việc đảm bảo ATTP và sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn hình thành nét văn minh mới trong quản lý hoạt động thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tại địa phương.

.

Chương trình nghệ thuật chào mừng buổi lễ

 

Mời quý vị xem Video chi tiết  tại https://drive.google.com/file/d/1a7ouSFtVArlGZ7o6R_-1CyZAJ3uT4V5H/view?usp=sharing  buổi Lễ tại  https://drive.google.com/file/d/1a7ouSFtVArlGZ7o6R_-1CyZAJ3uT4V5H/view 

MINH HIỀN

UBND PHƯỜNG

Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1969 - Bài thơ di chúc

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cả dân tộc ta lại rộn ràng niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi với nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Trong thời khắc thiêng liêng phút giao thừa, lòng chúng ta bồi hồi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, chúng ta không thể nào quên những vần thơ chúc Tết của Người. Những bài thơ chúc Tết là tiếng gọi của non sông, là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, là mệnh lệnh của trái tim được Bác truyền cho cả dân tộc.
content:

Tới Tết Giáp Thìn 2024 này, bài Thơ chúc tết Xuân Kỷ Dậu - 1969 tròn 55 năm. Bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969 được xem như là bài thơ di chúc, bài thơ cuối cùng của Người trước lúc đi xa. Bài thơ vừa mang tính triết lý, tính thực tiễn; vừa là phương châm hành động cách mạng; vừa là lời hiệu triệu mà lại thể hiện được tư tưởng, tình cảm và sự tiên đoán tài tình về ngày thống nhất đất nước.

Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc tết đồng bào ta. Trừ bài thơ chúc tết đầu tiên viết năm 1942 dưới Mặt trận Việt Minh, còn 21 bài thơ chúc tết còn lại, Bác viết với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để gửi đồng bào cả nước.

Thơ chúc Tết Xuân Ký Dậu 1969 là một trong ba bài thơ chúc tết của Bác được viết bằng thể lục bát truyền thống, số còn lại viết theo thể thơ tự do, trừ bài lục bát biến thể. Với bố cục chặt chẽ, vừa tổng kết được tình hình quá khứ, dự đoán cho tương lai, khẳng định lại mục đích chiến đấu vì độc lập, vì tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta, cùng việc vạch ra chiến lược đánh địch...bài thơ sử dụng thể thơ lục bát hết sức nhuần nhuyễn.

Nội dung bài thơ chúc tết của Bác thường có các phần: tổng kết tình hình năm qua, nhận định tình hình sắp tới, chúc mừng đồng bào nhân dịp xuân về và kêu gọi đoàn kết, thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ... Lời thơ giản dị dễ hiểu là mục đích của Bác, như hai câu kết trong thơ mừng xuân 1964, Bác viết:

Mấy lời thân ái, nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

Bài Thơ chúc tết xuân Kỷ Dậu - 1969 gồm sáu câu lục bát:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.

Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn.

 "Năm qua thắng lợi vẻ vang" là Bác nhắc tới Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, quân ta đã đánh vào các dinh luỹ kiên cố nhất của giặc ở các thành phố lớn và ngay cả toà Đại sứ Mỹ chính giữa Sài Gòn, làm cho đế quốc Mỹ và tay sai vô cùng hoang mang và lo sợ. Với cuộc thử sức và đà thắng lợi đó, Bác tin tương lai "chắc càng thắng to". Và đúng như vậy, từ năm 1969 trở đi, phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam mỗi năm một phát triển mạnh, và đến mùa xuân năm 1975 đã thắng lợi hoàn toàn.

Bác nhắc lại mục đích chiến đấu hết sức thiêng liêng của dân tộc ta là "vì độc lập, vì tự do". Bác luôn coi rằng, với đất nước, con người, độc lập, tự do là cái quý nhất. Từ những năm bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác đã từng viết:

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do.

Và khi với cương vị Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào cả nước chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bác đã nêu lên chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trong bài thơ chúc tết này, Bác còn chỉ ra đánh cho "Mỹ cút" trước để "nguỵ nhào" sau. Đó là một chiến lược hết sức quan trọng của người lãnh đạo "biết địch, biết ta". Và thực tế quân, dân ta đã làm đúng như điều Bác dạy: sau những thất bại quá nặng nề, lính Mỹ buộc phải rút về nước. Nhiệm vụ "đánh cho Mỹ cút" của quân và dân ta đã hoàn thành. Và khi đó chuyện "nguỵ nhào" là tất yếu, sớm muộn chỉ còn ở thời gian.

Như trên đã nói, phần kết bài thơ chúc tết của Bác thường là lời kêu gọi, nhưng nội dung kêu gọi tuỳ thuộc vào gian đoạn lịch sử. Ở bài thơ chúc tết xuân Tân Mão - 1951, Bác kêu gọi:

Xuân này kháng chiến đã nǎm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công
Toàn hǎng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời.

Khi bước vào chiến dịch thu đông năm 1953 – 1954, Bác Hồ đã có bài thơ mừng xuân Giáp Ngọ năm 1954:

Quân và dân ta nhất trí đoàn kết,
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thắng lợi.

Lời thơ chúc Tết xuân Giáp Ngọ của Bác Hồ đã trở thành hiện thực, nên đến ngày 7 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã ký kết, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Miền Nam còn phải tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Đến xuân Bính Thân năm 1956, Bác Hồ đã làm bài thơ mừng xuân để nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ cả nước:

Thân ái mấy lời chúc Tết
Toàn dân đoàn kết một lòng
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng
Quyết chí, bền gan phấn đấu
Hoà bình, thống nhất thành công.

Khi nước nhà tạm thời chia cắt, lời kêu gọi của Bác bao giờ cũng hướng tới thống nhất đất nước, như Thơ chúc tết xuân Canh Tý - 1960:

Cả nước đồng lòng, hăng hái tiến lên

Thống nhất nước nhà Bắc, Nam vui vẻ!

Nhưng những lời kêu gọi ấy chưa bao giờ thống thiết, thúc giục như hai câu kết trong bài thơ chúc tết cuối cùng năm 1969 này:

Tiến lên, Chiến sĩ, đồng bào

Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bác đọc bài thơ này vào giao thừa năm 1969; Trong thơ sẵn nhạc, trong nhạc như có tiếng kèn đồng xung trận và ngay sau đó bài thơ được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc. Mỗi người dân, người lính như có thêm sức mạnh và tin tưởng ngày thống nhất, ngày "Bắc Nam sum họp" đã đến gần.

Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ đã động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Thực hiện lời Di chúc trong thơ của Bác, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp thống nhất năm sau thắng lợi càng to hơn năm trước. Năm 1972, sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam, rồi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Gần 55 năm Bác đi xa, mỗi độ tết đến xuân về, chúng ta không còn được nghe lời thơ chúc tết ấm áp của Bác gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài; cùng với Di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta, nhất là năm nay 2024, khi bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác tròn 55 tuổi, chúng ta đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ và cảm nhận những bài thơ chúc Tết năm nào của Bác vẫn còn vang vọng đến hôm nay.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đang từng bước chuyển mình theo con đường Bác Hồ đã chọn, thực hiện khát vọng cao đẹp của Người “vì độc lập, vì tự do”, xây dựng nước nhà ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.

Đăng trên Tạp chí Văn hoá Quân sự

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ PHƯỜNG