ĐẢNG ỦY PHƯỜNG

Lịch sử, ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
content:

Cách đây 49 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ảnh TL: Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa  ngày  30/4/1975 

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Ngày 30 tháng 4 là ngày lễ toàn dân mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, chứng minh cho sức mạnh đoàn kết, truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một dấu son chói lọi, đồng thời đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng, có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong lịch sử thế giới thế kỷ 20, để lại cho chúng ta nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Quá khứ đã khép lại, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta với dấu mốc 30/4/1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất. 

Không chỉ đối với Việt Nam, chiến thắng 30/4 còn là một sự kiện có tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đến nay ý nghĩa lịch sử của Ngày 30/4 vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh "bình thường mới" hiện nay. Đây là dịp hàng năm nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hi sinh của biết bao đồng bào dân tộc đã ngã xuống vì sự độc lập, tự do và phát triển phồn vinh của đất nước như ngày nay.

MINH HIỀN

HĐND PHƯỜNG

Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024)

content:

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024) - nguyên Thường trực Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư đầu tiên của chi bộ Cổ Loa (tiền thân của Đảng bộ xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Đào Duy Tùng và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực học tập, lao động, cống hiến để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.... BBT Trang TTĐT phường đăng tải thông tin cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đào Duy Tùng, nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội....

Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đản!

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.

Tháng 9/1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945 khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.

Tháng 6/1946, đồng chí là Thường vụ huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947 là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư huyện ủy Kim Anh, sau đó được giao phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9/1948 là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949 là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 2/1950, đồng chí được điều về công tác ở Khu ủy, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, đồng chí là Phó Chỉ huy Ban huy động dân công. Tháng 9/1951 là Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Tháng 1/1953, sau lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, đồng chí là một trong số cán bộ đầu tiên được Trung ương cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường.

Tháng 5/1955, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, Đồng chí đã lần lượt giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956 - 1962), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (tháng 12/1962) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965 - 1982).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980 là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là một người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt thập niên đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng.

 

Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới để vượt lên. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980 cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10” đến “Cương lĩnh đổi mới đất nước”. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở tiếp xúc với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, “ba quan điểm kinh tế”, “bốn nguy cơ” và “hai điều đánh giá tổng quát” về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta, nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.

Khi về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (tháng 5/1955) và trải qua hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, từ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng huấn học, Phó Trưởng ban và Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; đồng chí luôn được tín nhiệm giao trình bày các quan điểm cơ bản của Nghị quyết các hội nghị Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Trong 17 năm (1965 - 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa Tạp chí - cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện. Đồng chí luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện về nội dung và hình thức, thực hiện nhiều bài viết sâu sắc về lý luận và thực tiễn, góp phần trực tiếp giải quyết những vấn đề bức thiết cho thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra, như những bài viết về lợi ích kinh tế, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp,....

Các tác phẩm báo chí của đồng chí chủ yếu là những bài chính luận với nét nổi bật chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, khúc chiết, giàu sức thuyết phục. Viết báo đối với đồng chí chính là sự thể hiện những tư tưởng, lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng đến mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân, do đó các bài viết của đồng chí luôn thấm đượm hơi thở đời sống xã hội, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương pháp tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng.

Từ năm 1992 - 1995, với cương vị Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Hội đồng Trung ương chỉ đạo và tổ chức hoàn thành biên soạn các bộ giáo trình triết học Mác - Lênin, kinh tế - chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với 74 năm tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí Đào Duy Tùng đã có đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc ta.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024) là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phường Vinh Tân, thành phố Vinh tiếp tục học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của Đồng chí, tăng cường đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác trọng tâm, quyết liệt thực hiện bằng được những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng phường Vinh Tân, thành phố Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh trong hành trình khát vọng, xây dựng Nghệ An phát triển thịnh vượng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023, của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

MINH HIỀN

UBND PHƯỜNG

KẾ HOẠCH Tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn phường Vinh Tân năm 2024

content:

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Kế hoạch số 348/KH-CATP-PCCC ngày 02/03/2023 của Công an TP.Vinh kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Viết tắt là PCCC&CNCH) đối với các chuyên đề PCCC trên địa bàn thành phố Vinh. UBND phường Vinh Tân xây kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ hộ gia đình và người dân về công tác PCCC.

2. Thông qua công tác kiểm tra để đánh giá được thực trạng công tác PCCC tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC &CNCH theo quy định; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Làm tốt công tác tham mưu, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý, cơ sở và người dân trong công tác PCCC& CNCH tại địa bàn cơ sở; kết hợp tổng kiểm tra, rà soát với tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về PCCC; kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.

4. Công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC&CNCH phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đảm bảo khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, NỘI DUNG KIỂM TRA.

1. Đối tượng kiểm tra: Cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; khu dân cư.

2. Thời gian: Từ 08/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024 và tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo.

3. Nội dung kiểm tra

- Trách nhiệm về PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 5, Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP

- Điều kiện về an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, tập trung kiểm tra về:

(1) Hồ sơ theo dõi quản lý về PCCC&CNCH của cơ sở

(2) Duy trì các yêu cầu đường giao thông dành cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC và nguồn nước; mặt bằng, công năng; giải pháp ngăn chát lan; giải pháp thoát nạn; trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC&CNCH, các thiêt bị liên quan…

(3) Quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hóa chất dễ cháy nổ

(4) Hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành; các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn….

(5) Lối thoát nạn theo quy định

- Rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC&CNCH, làm rõ cụ thể các tồn tại, vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt, hoạt động của cơ sở…

III. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN.

1. Tổ chức rà soát, lập danh sách cơ sở thuộc Phụ lục IV, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trên địa bàn báo cáo Công an thành phố Vinh, đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở khác đảm bảo không để sót, lọt cơ sở thuộc diện quản lý.

Quá trình rà soát, lập danh sách phải phân loại theo 14 lĩnh vực tại Hướng dẫn số 04/HD-C07-P1 của C07.

2. Tổ chức tổng kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH đối với 100% cơ sở được phân cấp quản lý, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như: khách sạn, nhà trọ, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, kho, xưởng sản xuất….

(Lưu ý: Cơ sở đã được kiểm tra an toàn PCCC định kỳ, cơ sở đang tạm ngừng hoạt động vẫn phải tiếp tục kiểm tra, báo cáo). Kiến nghị thời hạn khắc phục và xử phạt vi phạm hành chính về PCCC&CNCH theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP; Lưu ý các nội dung sau:

(1) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo hướng dẫn tại Phụ lục 4 Kế hoạch số 1336/KH-CATP-PCCC-TH ngày 14/10/2022 của Công an thành phố Vinh.

(2) Đối với cơ sở đang hoạt động nhưng còn tồn tại, vi phạm về PCCC trong giai đoạn đầu tư, xây dựng: có văn bản yêu cầu ngừng hoạt động và bắt buộc khắc phục theo quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành kiến nghị theo quy định.

(3)  Đối với các cơ sở vi phạm quy định về PCCC đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, tự ngừng hoạt động: Tổ kiểm tra phải tham mưu văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan, UBND các cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với trường hợp không đảm bảo điều kiện theo quy định, chỉ cấp lại khi đủ điều kiện.

(4) Tổ chức thông báo công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông danh sách cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH để chính quyền, người dân giám sát; Công an phường tổ chức giám sát việc khắc phục, hoạt động của các cơ sở trên địa bàn; kịp thời báo cáo khi phát hiện hành vi vi phạm cho đến khi được hoạt trở lại.

(5) Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh sau khi khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC&CNCH phải có báo cáo kết quả thực hiện.

3. Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Công an phường tham mưu rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý cơ sở về PCCC&CNCH, phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an theo quy định (Rà soát, kiểm tra đến đâu, hoàn thiện đến đó); đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra an toàn PCCC& CNCH được thực hiện đúng quy định, kiên quyết  không để “sót, lọt”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ sở, người dân trong thực hiện các quy định về PCCC&CNCH; tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở đáp ứng yêu cầu trong công tác PCCC&CNCH.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Tổ kiểm tra phải tiến hành kiểm tra các khu dân cư, loại hình cơ sở thuộc phụ lục IV, Nghị định 136/2020/NĐ-CP trên địa bàn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, không để lọt, sót đối tượng quản lý.

Lưu ý:

(1) Để đảm bảo tiến độ, Tổ kiểm tra có thể tiến hành kiểm tra khi có từ 01 thành viên trở lên có mặt (trong đó có tổ trưởng hoặc tổ phó hoặc chỉ huy Công an phường). Hàng tuần, tháng phải phân lịch kiểm tra cụ thể, tổ chức kiểm tra cuốn chiếu tầng địa bàn, nơi nào có nguy cơ cháy, nổ cao kiểm tra trước.

(2) Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường làm Tổ Trưởng, Công chức Đô thị làm Tổ phó, Quy tắc đô thị, Bảo vệ dân phố, CSKV, CSTT Công an phường làm Tổ viên các tổ kiểm tra, phải thường xuyên đôn đốc việc rà soát, kiểm tra, chịu trách nhiệm về tiến độ, tính chính xác của đợt rà soát, kiểm tra này.

 2. Cảnh sát khu vực, Công chức phụ trách các khối, Khối trưởng các khối phải thường xuyên bám địa bàn, rà soát, nắm tình hình các cơ sở, đặc biệt là cơ sở mới bắt đầu hoạt động để tham mưu Chủ tịch UBND phường tổ chức kiểm tra 100% cơ sở thuộc diện quản lý, đảm bảo không để lọt, sót.

3. Giao đồng chí Hoàng Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND phường, xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ và chấn chỉnh việc thực hiện; tham mưu giúp Chủ tịch UBND phường đôn đốc thực hiện kế hoạch này.

4. Công chức văn hóa, Ban Cán sự các khối thường xuyên phát thanh tuyên truyền các nội dung liên quan và kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn phường Vinh Tân.

Yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị, trường học, khối dân cư triển khai thực hiện nghiêm túc. Quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo về UBND phường (Qua Công an phường) để được hướng dẫn./.

       Tin/Bài: Minh Hiền – PCT UBND phường

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ ĐOÀN THỂ PHƯỜNG