Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Truyên truyền phòng, chống bệnh ho gà ở trẻ

.
content:

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh ho gà hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, Trạm Y tế phường Vinh Tân thông tin truyên truyền phòng, chống bệnh ho gà như sau:

1.Nguyên nhân gây bệnh ho gà

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường thanh quản, khí quản, ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin – đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh. Trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt không khí không nóng cũng không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

2.Triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ

Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ sẽ có những cơn ho nhẹ.

Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn ho gà là 7-10 ngày sau thì trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, chảy nước mũi.

Khi hít thở sẽ có những tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì bệnh trở nên nặng hơn gây ho nặng hơn, kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt nước mũi, sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp.

Khi trẻ không đủ oxy để thở lâu dần sẽ dẫn tới suy hô hấp cấp và có thể gây tử vong ở trẻ.

    3.Hậu quả của bệnh ho gà

Bệnh ho gà khiến trẻ phải ho gắng sức , dần dần dẫn tới việc cơ thể bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bệnh ho gà thường rất nặng nề, do sức đề kháng và sức khỏe còn yếu, chưa đủ sức để chống lại bệnh; Bệnh ho gà còn gây ra hậu quả là thiếu oxy cho cơ thể, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu oxy não, viêm não, viêm phổi, xuất huyết kết mạc…

    4. Cách phòng bệnh ho gà

- Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà khi đủ 02 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm đủ 03 mũi, mỗi mũi cách nhau 01 tháng và 01 năm sau nhắc lại mũi thứ tư để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

- Người lớn trong gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho bản thân, cho trẻ sau khi sinh ra hoặc tạo miễn dịch cộng đồng xung quanh bảo vệ trẻ đã sinh.

- Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà, nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

Với trẻ lớn hơn và người lớn thì thường có thể được điều trị tại nhà, nhưng Trẻ sơ sinh (dưới một năm tuổi) khi mắc bệnh ho gà có thể cần phải nhập viện điều trị để tránh các biến chứng bởi Trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh ho gà, và có nhiều nguy cơ biến chứng phát triển. Vì lý do này, trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi ho gà sẽ cần phải điều trị trong bệnh viện. Trẻ sẽ được cách ly để tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.

Khi bị bệnh ho gà cần bổ sung đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là trẻ nhỏ. Với những trẻ em dưới 6 tháng tuổi nếu bị bệnh ho gà cần phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện, các bà mẹ cần cung cấp dưỡng chất cho trẻ để trẻ tăng sức đề kháng, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, và bú nhiều lần trong ngày, từng ít một, bú cả ngày lẫn đêm, bất cứ khi nào trẻ muốn.

Trong thời gian điều trị bệnh ho gà cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, có thể ép nước hoa quả tươi cho trẻ uống, ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa …

* Bệnh ho gà có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho chúng ta như viêm, giãn phế quản hoặc viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu oxy não, viêm não, …nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách; Việc phát hiện bệnh ho gà qua triệu chứng bệnh ho gà và điều trị sớm bệnh ho gà sẽ tránh được những hậu quả nguy hiểm mà bệnh ho gà gây ra cho sức khỏe, tính mạng người bệnh, đồng thời tránh được nguy cơ lây lan bệnh ho gà ra cộng đồng.

Khi trong nhà có người có biểu hiện sốt, ho kéo dài trên 02 tuần hoặc có cơn ho rũ rượi kéo dài trên 1 tuần đề nghị toàn thể nhân dân thông báo ngay cho Trạm y tế phường (đồng chí Trần Văn Huấn – Trưởng trạm y tế phường, ĐT: 0387296869) để được hướng dẫn khám, điều trị và cách ly kịp thời. 

Trần Văn Huấn Trưởng trạm y tế phường