Giỗ Tổ Hùng Vương- Ngày lễ trọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam (10/3 âm lịch)

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
content:

   Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.

Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

   Nhớ đến ngày Giỗ Tổ không phải để nhớ tới những chuyện xa xưa thời tiền sử mà chính là để tỏ lòng kiêu hãnh rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa lâu đời. Mỗi khi Giỗ Tổ Hùng Vương, người Việt Nam đều hướng về Đền Hùng - nơi thờ Đức Quốc Tổ. Đền Hùng trở thành một vị trí lịch sử quan trọng được tôn kính thiêng liêng nhất.

Đền Hùng là nơi thờ cúng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam

Ngược dòng lịch sử, từ thời Hậu Lê không có quốc lễ, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam tuy còn non trẻ đã rất quan tâm tới Đền Hùng. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954 và 19/8/1962. Tại đây, ngày 19/9/1954, Người đã có câu huấn thị nổi tiếng cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi vào tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng (1954)

Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 01/3 đến 10/3 âm lịch).

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau khi Việt Nam đệ trình hồ sơ lên tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các chuyên gia của tổ chức này đánh giá đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Ngày 06/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tại Đền Hùng, phần Lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm. Các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch; thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ.

Đền Thượng (Phú Thọ) nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời đất, thần Núi và thần Lúa. Đền có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, nghĩa là điện thờ trời. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày giỗ Tổ

Ngày 15/4/2024 (tức mồng 7/3 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức lễ rước kiệu về Đền Hùng, tri ân công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân Việt Nam càng tự hào với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Do vậy, mỗi công dân Việt Nam luôn có trách nhiệm: Nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; giới thiệu những phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước; có ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ủng hộ và thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cổ vũ các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước hội nhập và phát triển.

Ảnh: Hàng năm thành phố Vinh tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Hồng Sơn

Đối với thành phố Vinh, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Mồng 10 tháng Ba âm lịch) là hoạt động truyền thống được thành phố Vinh tổ chức hàng năm tại Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Hồng Sơn, thành phố Vinh, đã trở thành nét đẹp văn hóađặc sắc, tiêu biểu của người dân trên địa bàn Thành phố, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến tham dự; Là dịp để Nhân dân thành phố Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”. Trong những năm qua, việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm tại Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Hồng Sơn đã được UBND Thành phố Vinh cùng với Ban Quản lý Di tích Đền Hồng Sơn tổ chức lễ hội, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các Vua Hùng góp phần duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân ở địa phương.

Từ ngày 16-18/4/2024, thành phố Vinh đã tổ chức các hoạt động hướng về Ngày Giỗ Tổ như: Tổ chức Chương trình nghệ thuật “Về miền Ví Giặm”; Giải cờ tướng hướng về ngày Giỗ Tổ; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, thời gian từ 08 giờ, ngày 18/4/2024

Thông qua lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tạo môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin cũng như thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Sự lôi cuốn ấy không chỉ ở số lượng người tham gia trực tiếp tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ mà còn khích lệ cộng đồng người Việt tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Việt sinh sống.

MINH HIỀN

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính Phường

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Hiện có: 1506
Tổng: 206411