Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư

10 dấu ấn nổi bật của Việt Nam năm 2024

content:

Năm 2024 - một năm với rất nhiều dấu ấn quan trọng và cả những kỳ vọng về một con đường phát triển mới của dân tộc. Với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và những dấu ấn nổi bật trong năm qua.

1. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước

Nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước được liên tục, đảm bảo đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, ngày 3/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thống nhất với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội bầu đồng chí Lương Cường làm Chủ tịch nước.

Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cùng với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiều chủ trương mới mang tầm chiến lược, mang tính đột phá được triển khai, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV bầu đồng chí Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

2. Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

 Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với quan điểm "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" theo chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc trên tất cả các phương diện vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương xây dựng phương án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để trình Trung ương trong quý I-2025.

Ngày 30/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương. Trung ương gương mẫu làm trước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các thành viên Chính phủ sau khi được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV kiện toàn

3. Tăng trưởng vượt dự báo, hướng tới mục tiêu 2 con số

 Giữa bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu nhưng Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiều kỷ lục mới được xác lập.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu tiên vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt toàn diện.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD. Lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ, vượt thu 324 nghìn tỷ. Thu hút FDI ước đạt gần 40 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.

4. Xây dựng, hoàn thiện thể chế xứng tầm “đột phá của đột phá”

Với quan điểm xác định thể chế là "đột phá của đột phá", công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai với tinh thần cải cách, quyết tâm mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương và đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách triển khai, đạt những kết quả ấn tượng, tích cực và hiệu quả. Chính phủ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo quyết liệt. 

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật mà đa số do Chính phủ trình, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ. Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau 4 kỳ họp. 

Các luật, nghị quyết, nghị định, quy hoạch được thông qua đã với tinh thần đổi mới tư duy; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, trong đó có những điểm nghẽn, vướng mắc lớn đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5. Đột phá trong xây dựng hạ tầng chiến lược

 Năm 2024, việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược mang tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" đã có nhiều bước đột phá mới với những kết quả cụ thể, nhiều công trình hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục.

Nổi bật là đã hoàn thành, đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 có ít nhất 3.000km cao tốc, thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.

Đáng chú ý, tại dấu ấn nối bật Đột phá trong xây dựng hạ tầng chiến lược”, cùng với các dự án, công trình trọng điểm như: tuyến metro đầu tiên của TPHCM chính thức vận hành sau nhiều năm lỡ hẹn, Sân bay Long Thành đã hiện rõ hình hài và sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025,... kỳ tích đường dây 500kV mạch 3: “Về hạ tầng năng lượng, dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc với chất lượng được bảo đảm trong khi các dự án tương tự, trước đây cần tới 3 - 4 năm”. Về hạ tầng số, mạng 5G chính thức triển khai thương mại tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ba dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc cũng được quyết liệt và tích cực thúc đẩy, trong đó tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến khởi công trước ngày 10-12-2025. 

6. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển ngành bán dẫn

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.

Đề án 06 đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022).

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn được triển khai hiệu quả. Việt Nam hiện đã thu hút khoảng 174 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD. Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, lĩnh vực bán dẫn ở tầm mức khu vực và toàn cầu.

Giải thưởng Vinfuture 2024 cũng là sự kiện nổi bật trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Vinfuture đã vươn tầm thế giới, là giải thưởng thường niên được đông đảo các nhà khoa học quốc tế quan tâm.

7. Đối ngoại khẳng định vị thế, uy tín đất nước, mở đường cho kinh tế phát triển

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục là điểm sáng, giữ nước từ sớm, từ xa và góp phần tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu quả. Việt Nam đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành gần 60 hoạt động đối ngoại trong năm 2024, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương, đón 25 đoàn Lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, tiến hành 11 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến… 

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, Australia, Malaysia; nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Brazil; nâng cấp đối tác toàn diện với UAE và Mông Cổ; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ireland về giáo dục đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, 19 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện. 

Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế là nội dung trọng tâm, được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều thị trường và hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể, thực chất, nhiều cam kết hợp tác với đối tác, nhất là thúc đẩy đầu tư và thu hút nguồn lực ở các ngành có thể tạo đột phá.  

8. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường mạnh mẽ

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường mạnh mẽ trên nhiều phương diện, nhất là xây dựng khu vực phòng thủ chiến lược, lâu dài và công nghiệp quốc phòng đạt nhiều kết quả.

Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Xử lý linh hoạt, hiệu quả, khôn khéo các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quản lý chặt chẽ biên giới. Xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách, quan trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ quyền quốc gia trên đất liền, trên biển được giữ vững và tăng cường.

9. Công nghiệp văn hóa có bước phát triển đột phá

Chính phủ đã trình Quốc hội lần đầu tiên ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, dành tối thiểu 122.250 tỷ đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Với các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện, không gian đổi mới sáng tạo rộng mở, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và có bước phát triển rõ nét. Công nghiệp văn hóa và nghệ thuật biểu diễn phát triển đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút mạnh mẽ và hiệu ứng xã hội lớn, lần đầu tiên được tổ chức.

 10. Bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 kịp thời, hiệu quả, bao trùm

Năm 2024, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn. Dành khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá.

 Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia. Chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra.

Năm 2024 cũng là năm đất nước đối mặt với siêu bão Yagi, siêu bão lớn nhất trong lịch sử 70 năm qua, để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Bộ Chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình với nhiều cách làm mới, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống; ứng phó và khắc phục hậu quả của cơn bão. Việc chủ động ứng phó với cơn bão từ sớm, từ xa và khắc phục hiệu quả cơn bão, mưa lũ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất.

MINH HIỀN

NGUỒN:chinhphu.vn

https://media.chinhphu.vn/viet-nam-2024-10-dau-an-noi-bat-102241230153949975.htm