HƯỞNG ỨNG THÁNG CÔNG NHÂN NĂM 2024
- content:
Cách xin nghỉ ốm đột xuất thuyết phục cho người lao động
Đi làm thì không ai tránh khỏi việc ốm đau/công việc đột xuất và Ốm đau là trường hợp bất khả kháng phải xin nghỉ phép của người lao động. Mặc dù không ai mong muốn, tuy nhiên, việc xin nghỉ ốm đột xuất của bạn chắc chắn sẽ khiến Lãnh đạo/Thủ trưởng/ Giám đốc (sếp) cảm thấy không mấy vui vẻ. BCH Công đoàn mách nhỏ cách xin nghỉ phép/nghỉ ốm đột xuất một cách thuyết phục, chuyên nghiệp, giúp đoàn viên/người lao động biết cách xin nghỉ việc một cách khéo léo để thuyết phục được sếp và không bị mất lòng vừa bảo vệ được sức khỏe của bản thân, vừa đảm bảo trách nhiệm với công việc.
1. Những lý do để xin nghỉ phép 1 ngày hoặc 2-3 ngày
Để cho cấp trên không thể từ chối việc nghỉ phép của bạn thì phải có những lý do chính đáng và hợp lý nhất. Dưới đây là một trong những lý do xin nghỉ phép đột xuất một ngày hoặc 2-3 ngày:
1) Nghỉ phép vì ốm đau:
Cho dù bạn có một sức khỏe tốt và hiếm khi bị bệnh nhưng vào một ngày bạn thấy cơ thể của mình suy nhược đi và bạn muốn ở nhà nghỉ ngơi. Đây là một trong những lý do chính đáng nhất mà không sếp hay cấp trên nào của bạn có thể từ chối được. Khi bị bệnh thì không những năng suất làm việc không hiệu quả mà còn làm ảnh hưởng tới dồng nghiệp, những người xung quanh mình. Vì vậy, lý do về sức khỏe sẽ được cấp trên ghi nhận, thông cảm và họ cũng hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe như thế nào.
2) Nghỉ phép để khám bệnh:
Cơ thể của bạn đã từng bị bệnh và bạn đã được bác sĩ đưa lịch tái khám để đảm bảo sức khỏe của bạn tốt lên đồng thời theo dõi tình hình sức khỏe có vấn đề gì khác không. Lý do này cũng tương tự lý do bị ốm, đều liên quan tới sức khỏe thì lãnh đạo sẽ đồng ý cho bạn nghỉ để tái khám bệnh để cho bạn có sức khỏe thật tốt hoàn thành công việc được giao.
3) Nghỉ phép vì gia đình có việc đột xuất:
Chuyện gia đình có việc đột xuất là điều mà không ai lường trước được hết. Chẳng hạn như nhà có người thân ốm đau/mất hay lý do nào khác cần bạn có mặt để giải quyết cũng như có việc cần đến bạn. Bạn nên khéo léo trong việc xin nghỉ phép về gia đình có chuyện đột xuất, người lãnh đạo sẽ thông cảm và hiểu cho bạn. Nếu tâm trạng của bạn thấp thỏm, lo âu thì công việc bị lơ đãng mất tập trung ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế hãy viết đơn xin nghỉ và về nhà giải quyết công việc cho ổn thỏa sau đó đi làm trở lại.
4) Nghỉ phép vì chuyện đại sự của bản thân:
Chuyện đại sự của bạn chính là chuyện cưới xin, ở trong hôn lễ bạn là nhân vật chính nên chắc chắn bạn không thể vắng mặt. Với lý do này, cấp trên không thể nào từ chối bạn xin nghỉ được, bạn hoàn toàn thuyết phục được sếp trong trường hợp này.
Như vậy, có nhiều cách để xin nghỉ phép khéo léo, dễ dàng nhận được sự đồng ý của sếp, nếu bạn gặp sếp trực tiếp thì cần chú ý ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, cách biểu đạt chân thành, thể hiện sự tôn trọng sếp.
2. Hướng dẫn cách xin nghỉ ốm đột xuất
Nghỉ ốm đau, bệnh tật đột xuất là điều không ai mong muốn. Để hiểu và nắm được cách xin việc một cách khéo léo, trước tiên cần phải nắm được số thông tin như sau:
- Mỗi một công ty/cơ quan (đơn vị) sẽ có quy định về quy trình xin nghỉ ốm khác nhau, quy định này sẽ thường được đưa vào nội quy/Quy chế làm việc/lao động hoặc thoả ước lao động tập thể của đơn vị. Do đó, bạn cần tìm hiểu rõ về quy chế của đơn vị trong nội quy/quy chế hoặc hợp đồng lao động đã ký kết trước đó để tránh vi phạm. Ngoài ra, việc nghỉ ốm đột xuất của bản thân chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của phòng ban, bộ phận trong đơn vị.
- Trong đơn vị mỗi cá nhân có một vai trò khác nhau, việc nghỉ đột xuất của một cá nhân sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, vì vậy khi bản thân bị ốm đột xuất nếu không khéo léo sẽ đem lại sự khó chịu cho sếp và ảnh hưởng đến đồng nghiệp. Do đó, khi cần thiết phải xin nghỉ ốm đột xuất, người lao động cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Gọi điện hoặc nhắn tin cho người quản lý hoặc bộ phận nhân sự của công ty/cơ quan/đơn vị để báo cáo tình hình sức khỏe và xin nghỉ ốm.
Bước 2: Soạn thảo đơn xin nghỉ ốm và gửi cho người quản lý/lãnh đạo hoặc bộ phận nhân sự.
Bước 3: Nộp giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (nếu nghỉ ốm có đi khám bệnh, chữa bệnh).
Trong nhiều trường hợp nhân viên phải xin nghỉ ốm đột xuất
3. Vì sao cần xin nghỉ ốm một cách khéo léo?
Việc xin nghỉ ốm một cách khéo léo sẽ giúp bạn tránh gây ra sự phiền toái và xung đột với sếp hoặc đồng nghiệp, nhất là công việc quan trọng, nhiều và chưa có người thay bạn đảm nhận.
(1) Bảo vệ quyền cá nhân: Khi bị ốm, việc xin nghỉ khéo léo sẽ giúp bạn bảo vệ quyền cá nhân mà không cần tiết lộ chi tiết về tình trạng sức khỏe của bản thân. Điều này sẽ giúp quyền riêng tư của bạn được bảo vệ.
(2) Gây ấn tượng tốt với người quản lý: Mặc dù nghỉ ốm là trường hợp bất khả kháng, tuy nhiên, nếu xin nghỉ ốm một cách khéo léo sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tốt với quản lý bằng thái độ lịch sự, chuyên nghiệp, thể hiện bạn là người tôn trọng công việc của mình.
(3) Tránh làm phiền đồng nghiệp: Việc thông báo nghỉ ốm đột xuất khéo léo sẽ giúp đồng nghiệp của bạn hiểu tình huống bất khả kháng mà bạn đang gặp phải, từ đó, họ sẽ điều chỉnh công việc để không gây ảnh hưởng đến công việc chung.
(4) Xây dựng lòng tin với mọi người: Thành thật trong việc xin nghỉ ốm sẽ thể hiện tính trung thực của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp.
4. Cách xin nghỉ ốm đột xuất thuyết phục, chuyên nghiệp giúp bạn dễ dàng áp dụng:
Cách 1: Xin nghỉ ốm nửa ngày hoặc 01 ngày:
Chào anh/chị (Tên người quản lý trực tiếp),
Em rất xin lỗi anh/chị vì sự bất tiện này. Tuy nhiên, hiện tại em đang bị sốt/nhức đầu/đau bụng/cảm cúm và cần thời gian để nghỉ ngơi, không thể đến công ty làm việc trong ngày hôm nay.
Em xin phép anh/chị cho em được nghỉ 01 ngày/nửa ngày để đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như tránh lây nhiễm cho đồng nghiệp.
Em cam đoan sẽ hoàn thành công việc được giao (hoặc đang làm...) và sẵn sàng trở lại vào ngày làm việc tiếp theo.
Xin cảm ơn sự thông cảm và hỗ trợ của anh/chị. Trân trọng!
(Ký và ghi rõ Họ tên của bạn).
Cách 2: Cách xin nghỉ ốm đột xuất trong vài ngày.
Chào anh/Chị (tên người quản lý trực tiếp),
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của em không được tốt do em đang bị nhiễm cúm A và sốt cao. Do đó, em xin phép anh/chị cho em nghỉ 03 ngày để đảm bảo mình sẽ trở lại hoàn thành tốt công việc một cách nhanh chóng.
Em cam đoan sẽ hoàn thành tốt những công việc đã được giao, và bàn giao những công việc gấp rút cần hoàn thiện cho đồng nghiệp để đảm bảo tiến độ công việc sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp cần gấp, anh chị có thể liên hệ trực tiếp với em qua số điện thoại cá nhân: 0987xxxx123.
Em xin chân thành cảm ơn sự thấu hiểu và hỗ trợ của anh/chị. Trân trọng!
(Ký và ghi rõ họ tên của bạn).
Cách 3: Xin nghỉ ốm khoảng 5 ngày đến 1 tuần.
Chào anh/chị (Tên người quản lý trực tiếp), (Bạn có thể CC email của người quản lý gián tiếp).
Em gửi email này để thông báo/báo cáo với anh chị về tình hình sức khỏe hiện tại của mình. Sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ về việc hồi phục vết thương sau khi mổ cắt ruột thừa, em được khuyên nghỉ ngơi, tạm dừng công việc khoảng thời gian ít nhất là 1 tuần để đảm bảo hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Em hiểu rằng việc mình nghỉ lâu như vậy sẽ gây khó khăn cho đồng nghiệp và phòng/bộ phận nói riêng, cho công ty/cơ quan nói chung. Tuy nhiên, em cam đoan sẽ hoàn thành tốt mọi công việc của mình sau khi nghỉ phép và tiếp tục hỗ trợ từ xa cho đồng nghiệp trong khả năng của mình trong thời gian nghỉ.
Em đảm bảo rằng, công việc của mình sẽ được bàn giao lại cho đồng nghiệp (tên đồng nghiệp có cùng vị trí làm việc với mình trong phòng) một cách hợp lý nhất để tiến độ công việc không bị ảnh hưởng.
Em xin cảm ơn sự thấu hiểu của anh/chị trong thời gian khó khăn này. Em hy vọng sức khỏe của mình sẽ sớm hồi phục để quay trở lại tiếp tục công việc. Trân trọng!
(Tên của bạn).
5. Cần lưu ý gì khi xin nghỉ ốm đột xuất?
Khi xin nghỉ ốm đột xuất, cần lưu ý một số vấn đề sau:
(1) Xin nghỉ sớm nhất có thể: Hãy thông báo về tình trạng sức khỏe của mình ngay khi bạn nhận ra mình không thể đi làm trong ngày hôm đó để người quản lý và đồng nghiệp của mình có thời gian điều chỉnh, sắp xếp công việc nếu cần thiết.
(2) Sử dụng ngôn từ lịch sự, trang trọng. Khi nhắn tin bằng văn bản hoặc viết email trực tiếp, hãy đảm bảo rằng nội dung xin nghỉ ốm phải có đầy đủ các thành phần cần thiết như: Lời chào, lý do xin nghỉ và lời cảm ơn.
(3) Không cần nêu chi tiết lý do sức khỏe. Trong cách xin nghỉ ốm đột xuất, bạn có thể nêu lý do khiến mình không thể đi làm trong ngày hôm đó, nhưng không cần nêu chi tiết quá cá nhân và nhạy cảm trong trường hợp không cần thiết.
(4) Nêu rõ thời gian xin nghỉ: Đề cập thời gian dự định nghỉ và thời gian có thể quay trở lại để quản lý trực tiếp sắp xếp công việc.
(5) Thể hiện trách nhiệm của mình với công việc. Cần thể hiện rõ việc bản thân có trách nhiệm hoàn thành công việc hoặc sẽ nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp trong thời gian nghỉ phép để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.
(6) Kết thúc bằng lời cảm ơn người quản lý vì đã thông cảm và hỗ trợ.
(7) Gửi thông báo cho đúng người. Nếu công ty có quy định cụ thể về quy trình xin nghỉ phép, phải gửi cho những ai, bạn hãy tuân thủ quy trình đó.
Trên đây là một số cách xin nghỉ phép/nghỉ ốm đột xuất chuyên nghiệp và thuyết phục nhất. Hy vọng sẽ giúp ích cho đoàn viên/người lao động khi sức khỏe của bản thân không đảm bảo để tiếp tục công việc. Việc tuân thủ các quy định về xin nghỉ ốm cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn với công việc và đồng nghiệp xung quanh. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và thành công trong công việc.
BCH CÔNG ĐOÀN