Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Giá trị lịch sử vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng vũ trang nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi cuối cùng

content:

Ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng vũ trang nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi cuối cùng.

Dựng nước đi đôi với giữ nước là vấn đề có tính quy luật trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nét nổi bật và đặc thù trong quá trình giữ nước của dân tộc ta thường phải chống giặc ngoại xâm là kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta rất nhiều lần. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, yêu nước, dân tộc ta đã anh dũng, kiên cường, bất khuất, sáng tạo trong chiến đấu, nên đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giành và giữ nền độc lập dân tộc. Trong những chiến thắng tiêu biểu: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, thì Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc vào ngày 30/4/1975 - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, thiết lập nền dân chủ nhân dân và đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, xứng đáng là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta.

        Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân ta đã hiện thực hóa mục tiêu giành độc lập dân tộc một cách thực sự, hoàn toàn trên đất nước ta. Đây là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc – kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Bởi, chiến thắng của Việt Nam đã khẳng định một vấn đề là chủ nghĩa đế quốc không thể đè bẹp và thủ tiêu dân tộc khác bằng ý chí và sức mạnh quân sự, hòng duy trì sự thống trị lên nhiều quốc gia khắp các châu lục, làm cho các nước bị áp bức không dám đứng lên đấu tranh, cản trở dòng chảy phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam đã xóa bỏ sự áp đặt và xiềng xích đó của chủ nghĩa đế quốc, đưa ra một chân lý mới, đó là: một dân tộc tuy nhỏ, nền kinh tế chậm phát triển, nhưng nếu đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì có thể chiến thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Một sự kiện quan trọng diễn ra sau ngày miền Nam giải phóng là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong đó, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam do tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xari ở Campuchia gây ra ngay sau khi Việt Nam vừa mới giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Việt Nam chỉ kéo dài 2 năm (từ năm 1977 đến 1979) nhưng hậu quả kinh tế, xã hội của nó khá nặng nề đối với Việt Nam. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế – xã hội diễn ra gay gắt, tỉ lệ lạm phát có lúc lên đến 774,7%, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ.

Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

– Về chính trị: Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo tiếp tục được hoàn thiện; có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân.

– Về kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 433,7 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 4.323 USD, gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,93% năm 2023. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao rõ rệt.

Năm 2024, tăng trưởng cả năm đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD; năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 786,29 tỷ USD tăng 15,4%, xuất siêu 24,77 tỷ USD, là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu. Thu NSNN ước cả năm đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng tăng 19,8% so với dự toán. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất trong nhiều năm qua; khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực: kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng.

– Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế… đều có sự phát triển vượt bậc, định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Đến nay có gần 99% số người lớn Việt Nam biết đọc, biết viết, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần, phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2014… Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được nâng lên. Chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách người có công, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài… được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Sức khỏe của Nhân dân được quan tâm chăm sóc; việc khám, chữa bệnh tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Năm 2024, an sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 90,2% năm 2020 lên 94,1% năm 2024. Chất lượng giáo dục các cấp được cải thiện. Ứng dụng khoa học – công nghệ được tăng cường; hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được hình thành và phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được ưu tiên, chú trọng; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thông tin truyền thông… được tăng cường. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.

– Về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia – dân tộc tiếp tục được bảo vệ vững chắc; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh; tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Xây dựng thế trận lòng dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Hình thành thế trận an ninh nhân dân, bố trí chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng công an cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh, đưa công an nhân dân gần dân, sát dân để phục vụ. Có đối sách, giải pháp phù hợp, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

– Về đối ngoại: Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, tạo cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thể hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, các nước lớn; đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế; đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác kinh tế. Mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 9 nước đối tác chiến lược toàn diện, 19 nước đối tác chiến lược (bao gồm cả 9 nước đối tác chiến lược toàn diện) và 13 nước đối tác toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mở rộng quan hệ kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.

PHÁT HUY TINH THẦN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta không chỉ là thắng lợi của sức mạnh và lực lượng chính trị, quân sự, ngoại giao; mà còn biểu trưng cho thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ và con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thắng lợi của chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chân lý đó chính là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được thể hiện tập trung ở lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đánh bại kẻ thù xâm lược, thống nhất Tổ quốc.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã mở ra cho dân tộc Việt Nam kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kỷ nguyên mới của dân tộc sẽ là kỷ nguyên giàu, mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Và để sánh vai với các cường quốc, bản thân chúng ta phải là cường quốc.

Những kinh nghiệm quý báu từ đại thắng mùa Xuân 1975 có ý nghĩa sâu sắc để vận dụng, phát huy trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những giá trị này cần được khơi dậy, lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ trẻ, nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của dân tộc.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam; là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới nhận thức sâu sắc, ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng mà quân và dân ta đã giành được. Đồng thời, là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của “thời kỳ máu lửa, oanh liệt” đã hy sinh tuổi xuân, xương máu để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào, có giá trị động viên, cổ vũ người Việt Nam và là tấm gương để các thế hệ người Việt học tập và noi theo.

https://vinhtan.vinh.nghean.gov.vn/thong-bao/-/asset_publisher/Cp738edjn6Dv/content/tuyen-truyen-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-at-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-

Minh Hiền (Tổng hợp)