Tin tức - sự kiện

PHƯỜNG VINH TÂN - Ban hành Quy chế hoạt động của Đội dân phòng PCCC&CNCH các khối dân cư trên địa bàn phường

content:

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ngày 28/11/2023; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; Thông tư số 04/2021/TT-BLDTBXH ngày 30/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

Ngày 16/9/2024, UBND  phường Vinh Tân đã ban hành Quy chế hoạt động của Đội dân phòng PCCC&CNCH các Khối dân cư trên địa bàn phường với 5 Chương, 15 Điều như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG  

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiêu chuẩn, tổ chức hoạt động, trang bị phương tiện PCCC, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ; chế độ, chính sách đối với đội dân phòng PCCC&CNCH (Viết tắt là Đội dân phòng) trên địa bàn phường Vinh Tân.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của Đội dân phòng trên địa bàn phường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy, được thành lập tại các khối dân cư. Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.  

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐỘI DÂN PHÒNG

Điều 3. Chức năng của đội dân phòng

Đội dân phòng có chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; tổ chức chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ kịp thời các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; phối hợp thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường.

Điều 4. Nhiệm vụ của đội dân phòng

1. Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, sơ cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ, sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng… cho người dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động trên địa bàn. 

4. Tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

5. Xây dựng phương án và tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư; tổ chức sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thực hiện nhiệm chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra trên địa bàn và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, địa phương khác khi có yêu cầu.

6. Đề xuất nguồn kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện cần thiết khác cho đội dân phòng để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

7. Tham gia bảo vệ hiện trường các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm trên địa bàn khi có yêu cầu của Công an phường, Ủy ban nhân dân phường.

8. Tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở nơi cư trú.

Điều 5. Quyền hạn của đội dân phòng

1. Đôn đốc, nhắc nhở người dân, hộ gia đình, cơ sở hoạt động trên địa bàn tổ dân phố chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

2. Báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân phường, Trưởng Công an phường chỉ đạo, tổ chức các biện pháp khắc phục và xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

3. Trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: 

a) Được trang bị và sử dụng trang phục chữa cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định;

b) Được yêu cầu quần chúng nhân dân trong khu vực giúp đỡ về phương tiện và tham gia hỗ trợ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 

Chương III

TIÊU CHUẨN, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN, HUẤN LUYỆN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CHO ĐỘI DÂN PHÒNG

Điều 6. Tiêu chuẩn của thành viên đội dân phòng

1. Đội viên đội dân phòng bảo đảm tiêu chuẩn sau:

a) Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, có đủ năng lực hành vi dân sự;

  1. Là người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú;

c) Phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Đội viên đội dân phòng có thể là thành viên của các tổ chức trực thuộc UBND phường, kiêm nhiệm.

3. Cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đăng ký với UBND phường có thể được bổ sung vào Đội dân phòng.

Điều 7. Tổ chức của đội dân phòng

1. Tại mỗi tổ dân phố thành lập một đội dân phòng. Trường hợp tổ dân phố có địa bàn rộng, dân cư đông, đội dân phòng có thể chia thành các tổ dân phòng.

2. Biên chế độ dân phòng cơ sở:

- Biên chế của tổ dân phòng từ 03 đến 05 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó.

- Tùy vào tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBBND phường sẽ quyết định số lượng thành viên của Đội dân phòng.

Điều 8. Chế độ hoạt động của đội dân phòng

1. Đội viên dân phòng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn tại địa phương, thành viên đội dân phòng được huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo sự phân công của người chỉ huy chữa cháy và hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Công an phường.

3. Đội dân phòng được điều động tham gia tuyên truyền, mít tinh, diễu hành,  hội thao về phòng cháy chữa cháy, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tham gia khắc phục nguy cơ phát sinh cháy, nổ; khắc phục hậu quả vụ cháy và những hoạt động phòng cháy chữa cháy khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền.

4. Thời gian tham gia hoạt động của thành viên đội dân phòng tối thiểu 01 năm; việc thay thế, bổ sung nhân sự thành viên đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định.

Điều 9. Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 

1. Đội dân phòng được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 150/2020/TT-BCA.

2. Phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được bố trí tại nơi làm việc của đội dân phòng. Đội dân phòng có trách nhiệm quản lý, bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị theo quy định.

Điều 10. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Thành viên đội dân phòng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu; bồi dưỡng bổ sung hàng năm; huấn luyện lại sau khi Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hết hạn) theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Điều 11 Nghị định số 83/2017/NĐCP.  

2. Thành viên đội dân phòng có trách nhiệm tham gia tập huấn bảo đảm nội dung, thời gian tập huấn và tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả theo quy định.

Chương IV

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG

ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN PHÒNG

Điều 11. Chế độ, chính sách đối với thành viên Đội dân phòng

1. Thành viên đội dân phòng được điều động, huy động trực tiếp và phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP, Điều 31 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH.

2. Thành viên đội dân phòng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được hưởng chế độ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP; Điều 5, 6 và Điều 7 Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH.

3. Chế độ, chính sách đối với cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy được áp dụng như thành viên đội dân phòng.

Điều 12. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của lực lượng dân phòng 

Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho đội dân phòng được trích nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Khen thưởng

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân phòng thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Đội dân phòng được phân loại và xét thi đua khen thưởng hàng năm vào dịp “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” 4/10 và khen thưởng đột xuất khi có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 14. Kỷ luật

Cán bộ, đội viên đội dân phòng lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; người có trách nhiệm thành lập, quản lý, duy trì hoạt động của đội dân phòng mà thiếu trách nhiệm không thành lập đội dân phòng; địa bàn có cháy mà không có lực lượng dân phòng cứu chữa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Công an phường.

a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thành lập, kiện toàn Đội dân phòng, đầu tư kinh phí cho hoạt động và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Đội dân phòng;

b) Chỉ đạo hoạt động, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu nạn đối với đội dân phòng.

2. Khối trưởng khối dân cư rà soát, lập danh sách thành viên đội dân phòng đề xuất Công an phường để tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thành lập, kiện toàn Đội dân phòng.  

3. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Công an phường tham mưu Ủy ban nhân dân phường đảm bảo kinh phí hoạt động của lực lượng dân phòng theo quy định.

4. Trưởng Công an phường; Khối trưởng khối dân cư; Đội trưởng, Đội phó và thành viên Đội dân phòng PCCC&CNCH chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về UBND phường (qua Công an phường) để có hướng dẫn kịp thời./.

ỦY BÂN NHÂN DÂN PHƯỜNG VINH TÂN 

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Now: 2166
Total: 1717180